Thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021 - 2025: tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN

Ngày 25/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025. Trong giai đoạn từ cuối 2016 - 2020, các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 161 với tỷ lệ 8/10 Bộ, ngành và 62/63 tỉnh, thành phố ban hành các kế hoạch hành động của Bộ, ngành, địa phương mình. Với các Bộ, ngành, địa phương không ban hành nhưng đã chú trọng việc lồng ghép để thực hiện.
Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án 161 cũng như Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai các chương trình, hành động cụ thể. Đề án 161 đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các thành tựu của Đề án 161 được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: thoát nghèo, giảm nghèo; đảm bảo tất cả các gia đình được tiếp cận với nước uống an toàn và vệ sinh an toàn; tăng tỷ lệ sống ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và đảm bảo trẻ em ở tuổi đi học được tới trường; thúc đẩy việc làm bền vững; và bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc thực hiện Đề án 161 đã phần nào đạt được mục tiêu chung là thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội, không chỉ được ghi nhận ở cấp quốc gia mà còn được ghi nhận ở cấp khu vực.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện hết sức tích cực Đề án với nhiều điển hình tốt, đặc biệt trong cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp tích cực liên ngành trong các lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội, bảo vệ nhóm yếu thế. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế về nguồn lực dành cho đề án, năng lực của cán bộ thực hiện cũng như sự tham gia hiệu quả của một số tỉnh, thành và địa phương".
Theo Báo cáo sơ kết 5 năm việc thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, thực hiện các Kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và huy động nguồn lực để đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả các mục tiêu xây dựng cộng đồng.
Việc ban hành Đề án 161 tại Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa và kết nối các mục tiêu của khu vực với các ưu tiên của Việt Nam trong việc hướng tới Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Đề án tạo cơ sở pháp lý để tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện ưu tiên của khu vực và quốc gia thông qua lồng ghép toàn diện nội dung Đề án ở tất cả các cấp quản lý, các lĩnh vực từ trung ương đến địa phương. Nhiều nội dung của các tuyên bố được các cấp cao ASEAN thông qua đã được thể chế hóa và hiện thực hóa trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chương trình trên toàn quốc và tại các địa phương.
Đề án 161 đã đảm bảo một phương pháp quản trị tốt trong việc thực hiện kế hoạch thực hiện của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam trên tất cả các khía cạnh và giải pháp thực hiện, tạo sự chuyển biến lớn về năng lực thực hiện, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở tất cả các cấp với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần nâng cao nhận thức về ASEAN đến tất cả các ngành, các cấp và công chúng.
Kế hoạch thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021 – 2025 trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN qua các kênh khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, qua đó nắm bắt thông tin một cách kịp thời; đồng thời, khẳng định việc thực hiện Đề án 161, thực hiện các cam kết của ASEAN chính là thực hiện các ưu tiên và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện các Chương trình hành động để triển khai Đề án 161 giai đoạn 2021 – 2025; tập trung vào giải quyết các khó khăn, tồn tại và thách thức làm cản trở việc thực hiện Đề án 161 nói riêng và hoạt động hợp tác ASEAN nói chung trong lĩnh vực văn hóa - xã hội như: thúc đẩy, bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế và nhóm đối tượng đặc thù; triển khai các hoạt động nhằm ứng phó với những thách thức và khó khăn mới như dịch bệnh, già hóa, kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe chia sẻ trực tuyến của Ban Thư ký ASEAN về kết quả của Báo cáo khu vực thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025 và những ưu tiên của ASEAN; chia sẻ của các Bộ, ngành về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực chuyên ngành và những chương trình, hoạt động ưu tiên ở cấp quốc gia; đồng thời, cập nhật tiến độ xây dựng và hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến các yếu tố mới cũng như trao đổi và tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó là những đề xuất về nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong khối ASEAN để mỗi người dân nhận thức được họ là một phần của ASEAN, họ được lợi gì trong những chính sách của ASEAN; cùng với đó là việc tự hào của mỗi người dân khi giới thiệu về mình là công dân trong khối ASEAN.
Anh Minh