* Việt Nam và Pháp có mối quan hệ hợp tác lâu đời và bền vững. Đại sứ có thể điểm lại những thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và du lịch?
Pháp và Việt Nam cùng chia sẻ mối quan hệ lâu đời dựa trên một lịch sử chung mà hai nước hết sức gắn bó. Mối quan hệ này dựa trên mối quan tâm chung rất mạnh mẽ, được thể hiện đặc biệt qua lăng kính của văn hóa. Sự hợp tác văn hóa giữa hai nước dày đặc và bao phủ rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Trong Đại sứ quán Pháp, quan hệ hợp tác văn hóa này được dẫn dắt bởi Cơ quan Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, cơ quan điều phối các hoạt động của bốn chi nhánh của Viện Pháptại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Chương trình góp phần quy tụ công chúng Pháp - Việt thông qua việc học tiếng Pháp và tổ chức các sự kiện văn hóa. Chương trình hoạt động liên quan tới các lĩnh vực rất đa dạng: điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc... Có thể lấy ví dụ như Festival Huế và triển lãm ảnh Photo Hanoi hai năm một lần, được khởi xướng vào năm 2021 và lần tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2023. Viện Pháp tại Việt Nam thường xuyên mời các gương mặt đại diện sân khấu mới của Pháp trong các lĩnh vực âm nhạc (cổ điển, bài hát, rock, world, jazz, electro), khiêu vũ và xiếc mới. Các buổi biểu diễn thường được tổ chức ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Viện Pháp cũng tổ chức các đợt chiếu phim Pháp từ nhiều năm nay. Trong năm 2023, Pháp sẽ hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện dự án Hué by Light vào tháng 12/2023. Đây là công trình lắp đặt ánh sáng tương tác trong Tử Cấm Thành và Heritage Show, một chương trình biểu diễn lớn miễn phí nhằm tôn vinh cổng Ngọ Môn của Hoàng thành Huế.
Một trục hợp tác rất quan trọng sẽ phát triển trong những năm tới liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo mà Pháp có chuyên môn và các mạng lưới toàn cầu mà các đối tác Việt Nam quan tâm. Về âm nhạc đương đại, tại chương trình LiveSpace do Viện Pháp ở Việt Nam khởi xướng, kết thúc vào tháng 10/2022, đã diễn ra các cuộc trao đổi rất thú vị và mang tính cấu trúc giữa các chuyên gia Pháp, Việt Nam và Nam Á để đề xuất các ý tưởng, giải pháp nhằm phát triển tất cả các lĩnh vực âm nhạc của Việt Nam và hỗ trợ sự kết nối c���a âm nhạc Việt Nam với các tác nhân quốc tế. Chương trình này đã được theo dõi trực tiếp bởi hơn 10.000 người. Một số phiên có sẵn trực tuyến miễn phí, các bạn có thể tham khảo nếu quan tâm đến lĩnh vực này.
Song song với đó, Đại sứ quán Pháp tiến hành các hoạt động xúc tiến du lịch giữa hai nước. Trong số gần 300.000 lượt du khách Pháp đến Việt Nam mỗi năm, rất nhiều người cảm thấy bị hấp dẫn bởi những danh lam thắng cảnh tươi đẹp của đất nước các bạn và cả bởi khía cạnh di sản mà lịch sử chung của chúng ta để lại. Nhà hát Lớn và cầu Long Biên ở Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà và Tòa thị chính (UBND thành phố Hồ Chí Minh) là những di sản lớn và là địa điểm du lịch rất hấp dẫn.
Về phía Việt Nam, tôi cũng nhận thấy sức hút tương tự, đối với lịch sử, di tích, ẩm thực và danh lam thắng cảnh của Pháp. Mặc dù bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, tôi rất vui khi thấy đông đảo du khách Việt Nam lại đến Pháp. Với sự giúp đỡ của Atout France, chúng tôi tổ chức nhiều chiến dịch để quảng bá văn hóa Pháp. Ví dụ, chúng tôi đang cung cấp trên trang Facebook của Đại sứ quán Pháp thông tin giúp du khách khám phá mỗi tuần một trong những ngôi làng đẹp nhất ở Pháp.
* Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là bảo tồn di sản là một trong những nét đặc trưng trong quan hệ hợp tác Pháp - Việt. Những hoạt động cụ thể trong lĩnh vực này sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Bảo tồn di sản thực sự là trọng tâm của các ưu tiên của chúng tôi. Pháp rất gắn bó với việc bảo tồn các di sản nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong việc bảo vệ các di sản lịch sử chung của chúng ta. Nhiều tác nhân của Pháp đang góp mặt bên cạnh các đối tác Việt Nam. Ví dụ như ở Hà Nội, các địa phương của Pháp, được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp, đã tham gia từ gần 30 năm nay vào việc bảo tồn các địa điểm mang tính biểu tượng trong gần 30 năm, bao gồm cả việc phát triển loại hình du lịch thích hợp. Chẳng hạn, một dự án của thành phố Toulouse, do AFD đồng tài trợ đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long trong việc bảo tồn Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 2010). Thành phố Provins cũng hợp tác với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long để tạo dựng không gian quảng bá du lịch. Vùng Ile de France có rất nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với việc chia sẻ chuyên môn về việc quảng bá địa điểm. Mặt khác, chúng tôi cũng đang đáp ứng đề nghị mạnh mẽ từ các chuyên gia bảo tàng, thông qua một dự án do Bộ Ngoại giao và châu Âu tài trợ. Một số công ty quy hoạch đô thị và kiến trúc của Pháp cũng đang nỗ lực hàng ngày nhằm quảng bá tôn vinh các bảo tàng, các không gian và công trình công cộng.
Các địa phương của Pháp cũng đóng một vai trò thiết yếu ở cấp độ này. Vùng Occitanie đang làm việc với tỉnh Lâm Đồng để xây dựng các quy chế quy hoạch đô thị và trùng tu các di tích lịch sử, thông qua các chương trình đào tạo tại chỗ (với các trường kiến trúc và Trường Chaillot Paris). Vùng Nouvelle-Aquitaine và tỉnh Lào Cai đang hỗ trợ công trình bảo tồn dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), trung tâm thuyết minh Sa Pa và bảo tàng dân tộc Lào Cai. Đại sứ quán Pháp hỗ trợ tất cả các tác nhân Pháp - Việt này để tiếp tục các sáng kiến về bảo tồn và phát huy di sản, với sự chú trọng đặc biệt dành cho người dân Việt Nam.
* Du lịch cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước, Pháp sẽ có những hoạt động như thế nào nhằm thu hút khách du lịch Việt Nam trong thời gian tới?
Đại sứ quán Pháp và cơ quan Phát triển Du lịch Pháp - Atout France rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ quán Pháp tiến hành một chiến dịch quảng bá nước Pháp trên các mạng xã hội của mình, đồng thời tổ chức các sự kiện quảng bá như Balade en France về ẩm thực và văn hóa của Pháp nói chung để doanh nghiệp và du khách Việt Nam biết đến Pháp nhiều hơn. Atout France thường xuyên triển khai các hoạt động với các công ty lữ hành và đại lý du lịch Việt Nam nhằm quảng bá nước Pháp, mời gọi người dân Việt Nam khám phá đất nước Pháp.
*Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút khách du lịch Pháp?
Việt Nam có tiềm năng du lịch ấn tượng nhờ danh thắng, văn hóa và lịch sử độc đáo. Trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đã đón gần 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế và chính người Việt Nam cũng mong muốn khám phá những nét độc đáo của Việt Nam.
Kinh nghiệm của các quốc gia và thành phố có lượng khách du lịch lớn cho thấy, ở một góc độ nhất định nào đó, du lịch đe dọa các điểm đến. Thách thức đặt ra là làm sao bảo tồn các điểm đến để tránh bị phá hủy. Ví dụ ở Venice (Italia), chính quyền đã thực hiện các chính sách “du lịch chậm” bởi sự xuống cấp của thành phố liên quan đến du lịch đại chúng. Đây cũng là mô hình mà Việt Nam đã lựa chọn cho hang Sơn Đoòng: hạn chế dòng khách tham quan để bảo tồn một địa điểm đặc biệt. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như các chuyên gia du lịch nên đặt việc bảo tồn các điểm đến, môi trường và đa dạng sinh học làm trọng tâm trong các hành động của mình nhằm thúc đẩy du lịch bền vững. Pháp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này.
*Đại sứ cảm nhận như thế nào về không khí tết cổ truyền Việt Nam?
Tết Nguyên Đán là thời điểm đặc biệt quan trọng của các gia đình Việt Nam. Đó cũng là khoảnh khắc khó quên đối với những người nước ngoài ở Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với các lễ hội được tổ chức trong dịp tết. Không khí đón tết ở đất nước các bạn thật sôi động, nhộn nhịp. Thật sự thú vị khi cùng tham gia và tìm hiểu những hoạt động đón tết truyền thống của người Việt như: lễ cúng tiễn ông Táo về trời, đón giao thừa, đi lễ chùa xin lộc đầu năm, gói bánh chưng, làm các món bánh mứt truyền thống… Phong tục mà tôi thích nhất trong ngày Tết cổ truyền của đất nước các bạn chính là tục lì xì và xông nhà. Đây là tập tục giàu ý nghĩa văn hóa truyền thống, mang những điều may mắn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà trong dịp năm mới. Có thể nói, đây chắc chắn là thời điểm trong năm mà văn hóa Việt, tâm hồn người Việt được thể hiện rõ nhất và nhiều nhất.
Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, chúng tôi cũng tổ chức một chương trình văn nghệ rất vui tại Đại sứ quán Pháp với các tiết mục do các đồng nghiệp người Pháp và người Việt Nam biểu diễn để chúc mừng năm mới.
* Trân trọng cảm ơn ngài Đại sứ Nicolas Warnery!
THANH HIỀN (thực hiện)