
Ông Đinh Ngọc Đức - Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Tây Ban Nha - Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Ngọc Đức - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Tây Ban Nha - Tổng cục Du lịch cho biết: Ở Việt Nam, khái niệm du lịch có trách nhiệm hiện nay vẫn còn rất mới mẻ, vì vậy việc làm rõ khái niệm, nguyên tắc, hướng dẫn cách làm để nâng cao nhận thức góp phần phát triển du lịch Việt Nam bền vững có trách nhiệm là việc rất thiết thực. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Dự án cũng như giúp ích rất nhiều trong việc triển khai Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam theo hướng có trách nhiệm hơn.
Du lịch có trách nhiệm hiện nay đang là sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế như Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) hay Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đã có nhiều hoạt động thực tiễn hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm và gần đây nhất là Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) do EU tài trợ với mục đích đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành Du lịch Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia tư vấn đến từ Dự án Tây Ban Nha, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch, Dự án EU, Câu lạc bộ du lịch có trách nhiệm (RTC)… giới thiệu tổng quan những khái niệm về du lịch có trách nhiệm trên thế giới, các vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam; mô hình phát triển du lịch có trách nhiệm; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; xúc tiến và thúc đẩy phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam; du lịch xanh và công tác bảo vệ môi trường trong các cơ sở lưu trú ở Việt Nam; giới thiệu tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam cho từng đối tượng liên quan đến hoạt động du lịch (quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư, khách du lịch)…
Qua đó, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương và đại diện các doanh nghiệp du lịch đã thảo luận, trao đổi làm rõ khái niệm, lý luận về du lịch có trách nhiệm; khả năng áp dụng du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam để phát triển du lịch một cách bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; những khó khăn của doanh nghiệp và những người làm du lịch trong việc áp dụng triển khai thực tế tại Việt Nam; phương pháp, cách thức tiếp cận nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm…
Theo bà Virginia Borges - chuyên gia tư vấn quốc tế Dự án Tây Ban Nha, để thúc đẩy du lịch có trách nhiệm cần tập trung tuyên truyền, quảng bá tới tất cả các bên liên quan từ khu vực hành chính công, doanh nghiệp du lịch địa phương, du khách, doanh nghiệp du lịch quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, người dân, giáo dục trẻ em… Một mô hình du lịch có trách nhiệm đã được Ban Quản lý Dự án giới thiệu là đội khèn Mông Sapa, đây là ví dụ điển hình về việc thực hiện vai trò trách nhiệm và phối kết hợp trong một mô hình du lịch có trách nhiệm trên một điểm đến, một địa bàn cụ thể.
Các ý kiến tại hội thảo đồng thuận trước mắt cần nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm từ các cấp quản lý đến tất cả các bên liên quan, để có thể đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch có trách nhiệm thể hiện cách tiếp cận, hướng dẫn triển khai du lịch có trách nhiệm một cách cụ thể, hướng tới phát triển du lịch bền vững trong tương lai.
Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Tây Ban Nha – Đinh Ngọc Đức đã kết luận: Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện tài liệu hướng dẫn du lịch có trách nhiệm, đề xuất Tổng cục Du lịch thông qua, có những bước đi để đưa tài liệu tới các bên liên quan để biến lý luận thành hành động thực tế; Dự án EU và các bên liên quan xem xét hỗ trợ Du lịch Việt Nam đưa tinh thần du lịch có trách nhiệm vào hoạt động thực tế.
Trang Lê