Thích ứng với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề ưu tiên đối với Việt Nam nhằm đảm bảo người dân sinh kế và hệ sinh thái, vấn đề này cần được tiếp cận theo đặc thù quốc gia, đặc biệt là có sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế trong hoạt động thích ứng. Trong quá trình thực thi các cam kết về biến đổi khí hậu, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ của EU và các nước phát triển nhằm đạt được mục tiêu giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính như đã cam kết.
Việt Nam là thành viên tích cực và luôn tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Với ICAO, Việt Nam đang đầu tư mua sắm máy bay mới, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính; đồng thời, tổ chức tốt điều hành bay để giảm phát thải khí nhà kính. Với IMO, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (công ước MARPOL) từ năm 1991. Hiện nay đã có kế hoạch triển khai thực hiện Công ước, thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực đường thủy nội địa, lĩnh vực hàng hải; việc mua hoặc đóng tàu mới, điều hành đội ngũ tàu…
Việt Nam đã tham gia Nghị định thư Montreal từ năm 1994 và là thành viên tích cực trong việc thực hiện loại trừ các chất CFC tại Việt Nam và đang chuẩn bị tiến tới loại trừ HFC. Thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện phê duyệt Điều chỉnh Kigali đã được các quốc gia thông qua năm 2016. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu đánh giá tác động của Điều chỉnh Kigali đến kinh tế - xã hội của Việt Nam để làm căn cứ phê chuẩn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, Việt Nam sẽ thực thi nghiêm túc những cam kết đã ký trong Thỏa thuận Paris; hy vọng các cơ quan liên quan của EU sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
PV