Tại Hội nghị, Campuchia với tư cách Chủ tịch ASEAN+3 trình bày tình hình triển khai hợp tác du lịch ASEAN+3 từ sau Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần thứ 19, cụ thể: Bản ghi nhớ về Hợp tác Du lịch ASEAN+3; triển khai Kế hoạch Công tác Hợp tác du lịch ASEAN+3 giai đoạn 2018 - 2020; số liệu du lịch của ASEAN+3 trong năm 2019 và 2020. Các Bộ trưởng ghi nhận Kế hoạch Công tác Hợp tác Du lịch ASEAN+3 giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch nêu tiến độ 12 nhiệm vụ lớn và 37 dự án trực thuộc về hợp tác du lịch ASEAN+3 đang được triển khai, điều chỉnh bổ sung và cắt giảm một số hoạt động theo đề nghị của các nước thành viên.
Trong năm 2020, hợp tác du lịch của ASEAN+3 đã được triển khai tích cực thông qua nhiều sự kiện quảng bá trực tuyến chung, các hoạt động đào tạo và giáo dục, hội nghị về chính sách ứng phó với Covid-19 và một số hội thảo theo chủ đề khác. Thông qua các Trung tâm ASEAN, hỗ trợ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với du lịch ASEAN chủ yếu dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật thông qua các khóa đào tạo về quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm...
Nhấn mạnh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những thị trường nguồn quan trọng của Du lịch Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Tương tự như hiệu quả của hợp tác du lịch ASEAN+3 với nhiều dự án được triển khai trong những năm gần đây, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong nhiều hoạt động quảng bá và hướng tới ba nước là thị trường nguồn quan trọng
Mặc dù hoạt động trao đổi khách du lịch tích cực trong năm 2019, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam chỉ đón 1,9 triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2020, giảm 82% so với năm trước. Mặc dù con số trên cho thấy sự sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước nhưng không thể phủ nhận rằng tỷ lệ khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Điều này khẳng định tầm quan trọng của ba thị trường đối với Du lịch Việt Nam, đồng thời là động lực để Việt Nam tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy hợp tác với ba nước sau đại dịch.
“Với Kế hoạch Công tác Hợp tác Du lịch ASEAN+3 giai đoạn 2021 - 2025, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện Kế hoạch hiệu quả để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm du lịch, hiệu quả quảng bá, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh, và quan trọng nhất là khuyến khích sự kết nối, hợp tác để phục hồi bền vững ngành Du lịch.” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh kỳ vọng.
Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc Á, trong đó thị trường khách outbound Việt Nam đứng trong nhóm 15 thị trường hàng đầu đi du lịch ASEAN. Theo Ban Thư ký ASEAN, khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN năm 2019 đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Trong năm 2020, lượng khách quốc tế đến ASEAN giảm 70% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
|
Hạ Tinh