Nhiều ý kiến cho rằng, Huế có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, song trên thực tế tốc độ tăng trưởng khách, thời gian lưu trú, doanh thu từ du lịch… có vẻ chưa tương xứng với những tiềm năng của du lịch cố đô. Ở góc độ của người làm lữ hành, bà có nhận xét gì?
Về tổng thể, đúng là Huế có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng đứng ở góc độ của người làm kinh doanh du lịch thì đẩy mạnh du lịch Huế thành mũi nhọn không hề đơn giản.
Thứ nhất, các DN nói chung và DN lữ hành, dịch vụ nói riêng ở Huế đều là những DN nhỏ và rất nhỏ, năng lực hạn chế. Điều này khiến các DN hết sức lúng túng, “lực bất tòng tâm”, đứng giữa “nhìn” Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM “hút” khách từ Huế.
Vì sao người Huế lại mang tiền đi du lịch nơi khác mà không phải là đóng góp cho tỉnh Thừa Thiên Huế? Đây là vấn đề dễ nhìn thấy nhưng khó cải thiện.
Đơn cử thế này, Đà Nẵng có lợi thế là du lịch biển và quá gần với thành phố Huế, Huế cũng có biển nhưng khá bất lợi là biển Lăng Cô gần Đà Nẵng hơn là với Huế. Lăng Cô cách Đà Nẵng có 30 km, cách Huế tới 80km. Lợi thế cạnh tranh vì vậy giảm nhiều so với Đà Nẵng. Hơn nữa, Lăng Cô là điểm khá kén khách nên khó để triển khai đưa khách đến đây.
Bên cạnh đó, mức độ chi tiêu của người miền Trung phải nói là chưa cao, rồi do thói quen đi du lịch ngắm cảnh là chính. Nhiều nhà đầu tư thấy Huế tiềm năng nhưng khi họ quyết định mở ra một dịch vụ hay một cơ sở nào đấy thì nhìn mức chi tiêu của khách họ nản ngay.
Đó chỉ là một khía cạnh trong hoạt động kinh doanh du lịch, còn thị trường inbound thì sao, thưa bà?
Chi nhánh chỉ phục vụ khách inbound trong hệ thống của Công ty CPDLVN-HN, không trực tiếp khai thác thị trường inbound. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, khách inbound đến Huế đang có xu hướng ngày càng giảm. Cách đây 5 năm, lưu trú trung bình của khách quốc tế tại Huế (qua công ty CPDLVN-HN) là 2,7 ngày, nhưng hiện tại chỉ còn 1,3 ngày.
Tôi cho rằng Huế rất phù hợp với khách quốc tế, đặc biệt là thị trường khách Âu. Bây giờ nhiều DN lữ hành, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng Huế không thể chạy theo Đà Nẵng được; cũng không thể so sánh với Quảng Bình vì mỗi tỉnh có mỗi đặc điểm riêng.
Tôi rất tâm đắc với nhận định của một chuyên gia Nhật về Huế “các bạn không được nóng vội, tôi cam đoan với các bạn trong 15 – 20 năm nữa thôi, trước là Đông Nam Á sau đó đến châu Á và thế giới sẽ khó có một thành phố nào giữ nguyên bản sắc như Huế”.
Trước thực trạng đó, Hội lữ hành Huế đã có các giải pháp ra sao để tăng sức hút du khách?
Cách đây 2 năm, tôi ý đưa ra ý tưởng thành lập liên minh ở Huế gồm 6 DN (Chi nhánh Huế - công ty CPDLVN-HN, Eagle tourist, HGH tourist, Connect tourist, Hương Giang tourist, Huế tourist), các DN bắt tay với nhau để cùng phát triển. Ban đầu chỉ làm nội địa, nhưng hiện tại đã làm được các thị trường outbound như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc…
Cho thấy một điều là các DN lữ hành Huế có thể tự làm được chứ không phải gửi khách nữa, năng lực cạnh tranh, tính chủ động được nâng lên.
Tôi đồng thời là Trưởng ban sản phẩm và đào tạo của Hội lữ hành, với quyết tâm đẩy mạnh hoạt động, chúng tôi đã phối hợp với các trường Cao đẳng nghề, trường Du lịch, khoa Du lịch Đại học Huế trong việc nâng cao năng lực của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch Huế, rồi nhân sự du lịch Huế. Lâu nay sinh viên ngành du lịch Huế sau khi ra trường thì đi thực tập tại DN, gần đây đi thực tập tại các khu Resort, khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng, Phú Quốc…vì mùa cao điểm rất thiếu nhân sự. Nhưng theo phản ánh của sinh viên, khi vào thực tập họ không được thực hành đúng chuyên môn mà chỉ bưng bê dọn dẹp. Đó là lao động chân tay chứ không phải thực hành nghiệp vụ, nên chúng tôi cố gắng để đưa về đúng vị trí thực tập của các bạn sinh viên.
Hội lữ hành Huế cũng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ, điều hành du lịch theo quy định của Luật Du lịch.
Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế xây dựng một bộ thuyết minh chuẩn cho các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…
Đồng thời ban sản phẩm cũng có kế hoạch rà soát lại toàn bộ các sản phẩm du lịch của Huế, đưa vào chủ đề, ví dụ như du lịch sinh thái thì Huế đã có những gì, di tích lịch sử văn hóa, du lịch cộng đồng Huế đã có những gì, rồi ẩm thực ra sao…, rà soát lại hết từ đó tìm ra những điểm yếu, điểm mạnh để tham mưu cho ngành du lịch, cho tỉnh bổ sung.
Theo bà, sản phẩm du lịch nào tạo nên điểm nhấn của Huế?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nét đặc trưng của Huế là di tích văn hóa lịch sử. Điều này đúng nhưng thực tế gần đây cho thấy loại hình du lịch này đang dần bão hòa. Đến Huế, ngoài thăm lăng, đại nội thì du lịch tâm linh là một loại hình rất đặc biệt, khác hẳn những nơi khác. Tôi cho rằng, yếu tố này có thể làm nên sự nổi bật của Huế. Sự khác biệt là di sản chùa chiền ở Huế vẫn giữ được nét xưa, không bị thương mại hóa, không bị xô bồ.
Ở Huế, đến chùa không phải chỉ vào dịp lễ hội mà đi vào chiều sâu của đạo Phật, Phật pháp. Tâm niệm của người đến chùa là mong muốn hoàn toàn thoát ra khỏi cái đời sống thường nhật để hướng tới thanh tịnh.
Nếu làm được tour tâm linh, rồi trải nghiệm ăn chay trong chùa, nghe các sư thầy nói về Phật pháp, đạo và đời, trong đó nói về đời kết hợp với giáo lý nhà Phật sẽ rất ý nghĩa.
Ngoài ra, khách quốc tế cũng có thể cùng với các nhà sư tự ra vườn hái rau sạch rồi cùng chế biến, học cooking class. Cũng có lớp học thiền, nhưng tùy theo yêu cầu của khách, không mở tràn lan để sự trải nghiệm phải thực sự đúng với không gian tâm linh. Gia đình có trẻ nhỏ sẽ lựa chọn nhiều trải nghiệm như đến làng Sình xem tranh, vẽ tranh, làng hoa giấy Thanh Tiên, đi làm diều, thả diều...
Huế vừa có biển, núi, sông, vừa có bề dày văn hóa lịch sử, sinh thái, cộng đồng. Về ẩm thực thì các nghiên cứu cho thấy Huế là kinh đô của ẩm thực Việt. Việt Nam có gần 2.000 món ăn thì các món ăn Huế chiếm tới 2/3.
Thế nhưng, nếu so sánh Huế với Hội An thì tôi thấy Huế chưa xứng với tiềm năng. Hội An có những sản phẩm cooking class hoành tráng khách vào là mê mẩn, Huế thì còn manh mún quá. Nhà này làm một tí nhà kia làm tí nên không có cái nào ra cái nào cả, chỉ mang tính phục vụ khách nhỏ lẻ thôi, không như ở Hội An. Huế cũng không có trung tâm ẩm thực nào để mà du khách có thể đến đấy tìm hiểu được nhiều món ăn. Huế đang nghiên cứu cho ra đời những trung tâm như thế.
Cái thứ hai là về nghỉ dưỡng, tâm lý khách du lịch sau khi trải nghiệm họ muốn quay lại lần thứ hai để tìm về không gian nhẹ nhàng, yên tĩnh, môi trường trong lành, nhưng để níu chân khách thì phải có chỗ nghỉ dưỡng đẳng cấp, có những chỗ để trải nghiệm, để mà có sự tương tác giữa khách với môi trường, giữa khách với điểm đến văn hóa, cái này Huế đang thiếu.
Xin cảm ơn bà!
Việt Hùng – Hải Nam (thực hiện)
Tạp chí Du lịch số 10/2018