Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và “Nói không với túi ni lông sử dụng một lần”
UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế hướng dẫn triển khai các giải pháp sử dụng vật liệu thay thế sản phẩm ni lông, nhựa sử dụng một lần, các vật liệu cấm và hạn chế sử dụng; hoàn thiện phương án phân loại rác tại nguồn và các hộ gia đình, chú ý giải pháp thu gom từ kết quả phân loại; nghiên cứu chế tài phù hợp để yêu cầu tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ làm phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần phải có trách nhiệm thu hồi…
Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức đoàn thể, đơn vị sự nghiệp thực hiện, tạo điều kiện và vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không sử dụng túi ni lông và vật dụng bằng nhựa sử dụng 1 lần trong sinh hoạt, hoạt động của cơ quan, đơn vị. Cụ thể, đầu tư hệ thống lọc nước uống dùng chung và bố trí thùng rác có phân loại rác thải; chỉ dùng túi ni lông, vật dụng chứa đựng thân thiện môi trường phục vụ hoạt động, sinh hoạt; không sử dụng ly, cốc, ống hút bằng nhựa, túi ni lông, chai nước nhựa sử dụng một lần; không sử dụng các sản phẩm văn phòng như túi clear, bìa kính, sticker đánh dấu bằng ni lông... chuyển qua sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; không sử dụng pháo sáng trong các hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện; không treo băng rôn, pano, backdrop, áp phích… bằng nhựa hiflex, nếu cần thiết thì phải bảo đảm theo đúng quy định về địa điểm và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường…
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các trường học hướng dẫn các em học sinh không bọc sách vở bằng ni lông, không thả bóng bay vào các ngày lễ, ngày hội của nhà trường; không sử dụng chai nhựa sử dụng 1 lần để đựng nước, có kế hoạch ưu tiên đầu tư máy lọc nước uống dùng chung tại nhà trường; hướng dẫn các em học sinh vận động gia đình, người thân cùng tích cực hành động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa; phát động phong trào kế hoạch nhỏ trong việc làm túi giấy để tặng cho các gia đình buôn bán nhỏ khó khăn và phục vụ sinh hoạt của nhà trường.
Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược và các bệnh viện trên địa bàn có phương án, lộ trình cụ thể thay thế các loại bao bì bằng nhựa, ni lông đang được sử dụng để đựng thuốc, hồ sơ bệnh án... bằng những vật liệu thân thiện môi trường theo yêu cầu của Bộ Y tế; đề xuất phương án không xuất in phim âm bản nếu người bệnh không có nhu cầu; kết hợp vận động các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn giảm dần và tiến tới không sử dụng các loại bao gói, hộp, túi đựng bằng ni lông, nhựa sử dụng một lần...
Sở Công Thương theo dõi, đôn đốc các siêu thị có kế hoạch triển khai để thực hiện cam kết đã ký về lộ trình cắt giảm việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đến ngày 31/12/2020 hoàn thành mục tiêu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông khó phân hủy.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tăng cường bố trí phương tiện thu gom rác, đảm bảo việc thu gom rác thải đúng quy định, không để phát tán túi ni lông, sản phẩm nhựa trên sông, suối, ao hồ thuộc ranh giới giữa các địa phương; xây dựng phương án cụ thể sử dụng các vật dụng thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần tại các điểm tham quan, du lịch do địa phương quản lý...
Hiện tại, phong trào “Ngày chủ nhật xanh” vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ tại thành phố Huế vào mỗi dịp cuối tuần, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, chống rác thải nhựa tại thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
P.V