Ông Phạm Minh Chính được đề cử để Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 vào sáng nay.
Phát biểu nhậm chức sau khi tuyên thệ trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, "Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly".
Với tư tưởng chỉ đạo "chống dịch như chống giặc" và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, "thương người như thể thương thân" của nhân dân để chống dịch thành công.
Thủ tướng cũng nêu rõ việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững;tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Ông đề cập đến việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đây là lần thứ hai Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến nội dung này trong phát biểu nhậm chức, lần đầu tại kỳ họp Quốc hội cách đây gần 4 tháng trước.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ khóa mới chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những "rào cản", "điểm nghẽn" về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh hợp tác công - tư, sử dụng nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài Nhà nước, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.
"Tuyệt đối không hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Thủ tướng khẳng định.
Ông nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh con người...
"Chính phủ và cá nhân tôi nguyện cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định, là cơ quan chấp hành của Quốc hội", Thủ tướng nói.
Gần 4 tháng trước, khi đang làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính được Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức Thủ tướng, thay ông Nguyễn Xuân Phúc đã được bầu làm Chủ tịch nước.
Việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao thời điểm đó là để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ sau Đại hội Đảng XIII.
Còn lần này, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, bầu hoặc phê chuẩn chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước theo quy định về tổ chức bộ máy. Chủ tịch nước, Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước..., đều theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm) nên khi bắt đầu một nhiệm kỳ mới, các đại biểu sẽ bầu hoặc phê chuẩn chức danh lãnh đạo của các cơ quan này.
Ông Phạm Minh Chính 63 tuổi; Phó giáo sư, Tiến sĩ Luật, Kỹ sư Xây dựng; quê ở xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, ông theo học Đại học Xây dựng Bucarest-Rumani, Khoa Xây dựng dân dụng-công nghiệp, chuyên ngành kết cấu thép.
Trở về nước, ông làm cán bộ Tình báo Phòng 6, Cục Tình báo thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an; sau đó tiếp tục được đào tạo nghiệp vụ ngoại giao tại Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao); đào tạo nghiệp vụ tại Trường Tình báo (nay là Học viện Quốc tế), Bộ Công an.
Sau nhiều năm làm cán bộ tình báo, giai đoạn 1991 đến 1994, ông Chính là cán bộ ngoại giao, Bí thư thứ 3, rồi Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani. Ông tiếp tục gắn bó với sự nghiệp tình báo sau khi về nước, lần lượt trải qua các vị trí Cán bộ Tình báo; Phó Trưởng phòng Cục Tình báo châu Âu; Cán bộ Tổ thư ký lãnh đạo Bộ Công an; Phó Cục trưởng, Quyền Cục trưởng rồi Cục Trưởng Cục Tình báo kinh tế-khoa học công nghệ và môi trường; Phó Tổng cục trưởng Tình báo.
Tháng 12/2009 đến tháng 8/2010, ông giữ chức Phó Tổng cục trưởng phụ trách rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an.
Tháng 8/2010, ông Chính giữ chức Thứ trưởng Công an; sau đó được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từ tháng 8/2011.
Tháng 4/2015, Bộ Chính trị điều động ông Chính về Hà Nội, giữ chức Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Sau khi được bầu vào Bộ Chính trị tháng 1/2016, ông tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Tháng 1/2021, tại Đại hội XIII, ông tái đắc cử Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 4/2021, Quốc hội bầu ông giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Nguồn: vnexpress.net