Thu hút FDI vào phát triển du lịch biển, đảo còn bất cập
Cho đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Singapore, Canada, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất… Đến nay, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch biển, đảo đã có ở 23 tỉnh/thành phố của cả nước, chiếm 74,5% số các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Trong đó có một số dự án lớn đăng ký đầu tư như: Dự án của tập đoàn Plantium Dragon Empire phát triển khu du lịch vui chơi giải trí tại Bà Rịa - Vũng Tàu với số vốn lên đến 550 triệu USD; dự án đầu tư của Tập đoàn Rockingham (Anh) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và các khu vui chơi giải trí, trường đua ô tô 1.000ha tại Phú Quốc, quy mô dự án lên đến 1 tỷ USD…
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua nhiều địa phương chưa có quy hoạch cụ thể cho phát triển kinh tế du lịch biển, đảo; cơ chế chính sách, công tác xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư chưa hợp lý, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút các nhà đầu tư. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn để lôi kéo các nhà đầu tư. Dòng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực du lịch biển, đảo khá lớn nhưng cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, thường chỉ tập trung vào lĩnh vực bất động sản du lịch tại một số địa phương giàu tiềm năng du lịch, có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi như ở Quảng Ninh, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh... mà ít quan tâm đến phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo hay ở những vùng còn nhiều khó khăn.
Vùng biển và ven biển đang tập trung tới 3/4 khu du lịch tổng hợp và 10/17 khu du lịch chuyên đề; tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu những sản phẩm dịch vụ biển, đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao so với khu vực và quốc tế, chưa có các khu du lịch biển tổng hợp đạt trình độ quốc tế. Các doanh nghiệp du lịch thường chỉ đầu tư khai thác những tài nguyên có sẵn hoặc sao chép để hình thành sản phẩm du lịch (chủ yếu thiên về loại hình du lịch sinh thái), nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn chưa được khai thác đúng mức để trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo cho từng vùng. Bởi vậy, sản phẩm du lịch biển, đảo còn nghèo nàn, trùng lắp, ít sáng tạo, thiếu tính độc đáo, đặc sắc, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết.
Việc thu hút đầu tư FDI xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến còn ít; do vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển, đảo còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đường bộ cao tốc chạy dọc theo bờ biển, nối liền các thành phố du lịch ven biển thành một hệ thống liên hoàn. Hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước ngọt, thông tin viễn thông... trên các đảo du lịch còn nhiều thiếu thốn. Các cảng biển, mạng lưới vận tải đường không ở các vùng ven biển và trên một số đảo chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện tại, chưa có bến tàu dành riêng cho du khách tàu biển; thiếu các dịch vụ bổ trợ để du khách tàu biển lưu trú dài ngày; tình trạng thiếu diện, thiếu nước ngọt và “cháy” phòng nghỉ thường xuyên xảy ra vào mùa du lịch biển, đặc biệt ở một số nơi giàu tiềm năng du lịch như Hà Tiên, Hòn Chông (Kiên Giang), Cô Tô (Quảng Ninh)…
Tăng cường thu hút FDI vào phát triển kinh tế du lịch biển, đảo
Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế du lịch biển, đảo bền vững, thu hút 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch biển đạt 200.000 tỷ đồng vào năm 2020, ngành Du lịch cũng như các địa phương có biển cần quan tâm một số giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau:
Một là, xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế du lịch biển, đảo theo từng vùng, từng địa phương để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài có căn cứ và yên tâm đầu tư. Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch biển được xác định trong Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020”; Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, các địa phương ven biển cần tập trung xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo cụ thể. Chú ý đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển kinh tế du lịch biển, đảo với quy hoạch phát triển chung về kinh tế - xã hội của từng vùng ven biển, tính toán yếu tố liên kết, liên vùng, các tiêu chí cụ thể về quốc phòng – an ninh, môi trường sinh thái, tác động của biến đổi khí hậu... Có thể thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết các tuyến, điểm du lịch biển và trên các đảo.
Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế du lịch biển, đảo. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực và xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch; ưu tiên đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; các khu, tuyến, điểm du lịch thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển du lịch; hoặc ưu đãi đối với phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm.
Ba là, đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng du lịch nói riêng để kích thích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà nước nên có chính sách ưu tiên xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Ðẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch, hệ thống đường sắt cao tốc kết nối các khu, điểm, trung tâm, đô thị du lịch biển, đảo. Tập trung xây dựng hệ thống cảng du lịch, bến neo đậu, cầu cảng tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc biệt là hạ tầng cầu cảng tại các đảo để tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến từ biển. Nâng cấp một số cảng hàng không, nghiên cứu tính khả thi đầu tư xây dựng sân bay phù hợp với điều kiện ở các đảo, kết nối các đảo của Việt Nam với đất liền và quốc tế. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nên theo hướng “lưỡng dụng” vừa sử dụng cho phát triển kinh tế du lịch, vừa sử dụng cho mục đích quốc phòng - an ninh của đất nước.
Bốn là, tạo bước đột phá trong xúc tiến đầu tư FDI phát triển kinh tế du lịch biển, đảo. Tổng cục Du lịch cần tăng cường đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch xúc tiến, quảng bá về du lịch biển đảo cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó cần xây dựng các chủ đề cụ thể về du lịch biển, đảo Việt Nam trong các hoạt động xúc tiến quảng bá. Tích cực, chủ động tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế chuyên về du lịch biển, đảo. Tăng cường sử dụng, khai thác công nghệ thông tin, mạng Internet phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch biển Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” kèm theo Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Hà Nội.
ThS. Nguyễn Tuấn Dũng