Thuộc thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Hầm Hồ là một thắng cảnh nổi tiếng ở Bình Định, cách TP. Quy Nhơn khoảng hơn 50km về hướng Tây Bắc.

|
Hầm Hô (Bình Định) |
Suối Hầm Hô nằm ở thượng nguồn sông Đá Hàng, đổ nước ra sông Côn tại thị trấn Phú Phong. Vào mùa nắng ráo, suối Hầm Hô phơi cạn lòng, chỉ còn vài lạch nước trong vắt, đá trải hàng hàng, lớp lớp chồng chất lên nhau đủ hình đủ cỡ. Có nơi, lòng suối đá mọc lên lởm chởm, gập ghềnh. Hai bên bờ suối, đá còn dựng thành hàng như bức tường thành. Có nơi đá mọc tua tủa như rừng gươm. Lác đác đó đây vài cây cổ thụ hình dáng cổ quái, đượm vẻ trầm mặc, đứng nghiêng mình bên dòng suối. Những bụi sim có lá mịn như nhung, những khóm phong lan từ kẽ đá buông mình đung đưa theo làn gió hoặc chơi vơi trên mặt nước lung linh. Thỉnh thoảng vài trận gió từ đâu đưa lại phảng phất mùi hương của các loại hoa rừng ngào ngạt. Nhưng có lẽ, phong cảnh Hầm Hô đẹp nhất là vào mùa xuân với rừng mai vàng tỏa mùi thơm dịu. Vào những đêm mùa thu, du khách được đắm chìm trong cõi huyền ảo, mông lung. Không chỉ thế, các ghềnh đá hiểm trở với những tên gọi như đá Bàn Cờ, đá Thành, đá Chũm, đá Dựng, đá Trái, cửa Sanh, cửa Tử, thác Cá Bay, hòn Trào, hòn Vò Rượu… luôn tạo cho du khách cảm giác khó tả giữa chốn sơn thủy hữu tình. Vào mùa mưa lũ, Hầm Hô nhận nước từ nguồn sông Đá Hàng đổ về dềnh lên lai láng và đục ngầu phù sa, ào ào đổ xuống các hang vực sâu thẳm, tung bọt trắng xóa. Một bậc đá cao hơn 10m, bốn phía là vách đá bủa vây, che khuất cả một cái hầm kín đáo.
Hầm Hô còn có địa thế vô cùng hiểm yếu, là căn cứ địa của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, của nghĩa binh Cần Vương chống Pháp và là nơi hoạt động của lực lượng cách mạng ở địa bàn Tây Nam huyện Tây Sơn những năm chống Mỹ cứu nước. Bởi vậy, đến Hầm Hô du khách còn có cơ hội tham quan những di tích lịch sử như bảo tàng Quang Trung, các tháp Chàm cổ kính, nhà từ đường các võ tướng Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng…
Không chỉ được đắm mình trong dòng nước suối mát lạnh, leo núi, câu cá, bơi thuyền, đốt lửa trại… du khách còn được dịp thưởng thức đặc sản của Hầm Hô là những món cá tươi ngon. Nơi đây có rất nhiều loại cá, từ cá đá, cá niêng, cá trắng cho đến cá chép, cá trôi, cá ngựa, cá lúi… Mùa mưa, cá từ sông Côn ngược dòng lên nguồn Đá Hàng để sinh đẻ. Dĩ nhiên, cá phải vượt qua thác Hầm Hô. Vào mùa mưa lũ, cá vượt thác thành đàn vì vậy mà thác Hầm Hô còn được gọi là thác Cá Bay. Tục truyền, xưa kia, hàng năm cá tề tựu về đây để thi vượt thác. Con nào vượt được thì hóa thành rồng, cho nên thác này còn có tên là thác Vũ Môn. Những người dân địa phương nhân cơ hội này chăng lưới hay hứng những chiếc giỏ tre để bắt cá. Mùa mưa cá rất béo và nhiều vô kể.
Vào những tháng hè, Hầm Hô là nơi thu hút đông đảo du khách đến vui chơi, cắm trại hè và tận hưởng không khí trong lành. Hiện nay, danh thắng Hầm Hô do Công ty Cổ phần Du lịch Hầm Hô quản lý, đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng để đón tiếp du khách bốn phương trong dịp nghỉ cuối tuần hay vào mùa lễ hội…
Bài và ảnh: NGUYỄN NHÂN THỐNG