Theo tại liệu được lưu giữ tại chùa, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến viễn du vào miền Trung đã đến dâng hương lễ phật tại Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Vua.
Thăm ngôi chùa trên 700 năm tuổi ở Quảng Bình
Chùa Hoằng Phúc còn là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Trong chiến tranh chùa bị hư hỏng nặng do bom đạn đánh phá. Năm 1985, cơn bão cấp 12 tàn phá khiến chùa bị hư hại, xuống cấp.
Năm 2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định số 1201/ QĐ – UBND xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích cấp tỉnh và vận động quyên góp trùng tu lại ngôi chùa này.
Đến năm 2014, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa với sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp… Năm 2016, công trình hoàn thành với toàn bộ khuôn viên di tích được xây dựng theo đúng không gian, bố cục và kiến trúc chùa Việt truyền thống, gồm Tam quan ngoại; Tam quan nội; Tháp phật; Tam bảo chùa; nhà thờ tổ; tả hữu hành lang; am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác…
Thăm ngôi chùa trên 700 năm tuổi ở Quảng Bình
Chùa Hoằng Phúc lưu giữ nhiều hiện vật giá trị như: mõ, quả chuông lớn bằng đồng nặng 80kg, cao 1,1m; đường kính 0,5m có tai treo chạm nổi 2 con rồng ngậm ngọc cùng nhiều hoa văn tinh xảo, tượng phật…
Cây sanh hàng trăm năm tuổi "ôm" trọn cổng Hoằng Phúc cổ tự
Khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương, nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng.
Chùa Hoằng Phúc đồng hành với lịch sử quê hương, dân tộc hơn 700 năm nay và luôn là điểm đến tâm linh của người dân và các phật tử xa gần.
Viễn Nguyệt