Đầu nguồn thác Đắk G’lun nằm tại huyện biên giới Tuy Đức trên độ cao 728m so với mặt biển, cách ngã ba Kiến Đức 35km hướng Tây Bắc nếu đi trên tỉnh lộ 681. Theo lối mòn xuống thác là những vạt rừng bằng lăng với thân cây thẳng ngọn, những vách đá dựng đứng chằng chịt rễ cây cổ thụ như những con trăn trườn mình bò ngổn ngang. Thỉnh thoảng phải men theo con đường khuyết sâu vào lòng núi giống hang chân sóng nối liền hai động đá rộng lớn theo dạng hàm ếch trông rất ngoạn mục.
Và bất ngờ xuất hiện, dưới tán lá rừng luồng nước khổng lồ tung mình đổ xuống từ độ cao trên 50m làm rung chuyển cả một góc rừng. Dưới chân thác, ẩn hiện trong bụi nước là sắc cầu vồng lung linh, huyền ảo. Khung cảnh hoang dã, đẹp như trong truyện cổ tích, xứng danh “Người đẹp giữa đại ngàn” mà người M’Nông đã đặt tên.
Đêm ở buôn J’Riêng - Gia Nghĩa thơm mùi nếp mới và thịt nướng từ ngôi nhà làng. Phía trước sân, đống lửa bắt đầu cháy bùng sau khi già làng hoàn tất phần nghi thức mở hội trong tiếng chiêng rộn rã, trầm hùng. Một điểm đặc sắc ở buôn J’Riêng: nghệ nhân người M’Nông chỉ đánh bộ chiêng gồm 6 chiếc và chiếm phần đông là nữ giới, rất khác với người Ê Đê, Gia Rai, Banar hầu hết là đàn ông, trai tráng. Còn nữa, đồng bào M’Nông không dùng dùi để đánh chiêng, mà họ khom lưng đánh, tay này đánh, tay kia chặn lòng chiêng, khiến âm thanh phát ra như nhạc bè, trầm ấm, ngân vang. Đón khách, chúc sức khỏe, mừng lúa mới, mừng chiến thắng... tiếng chiêng làm nền cho vòng xoang mấy chục người đủ thế hệ trong trang phục M’Nông đã làm sống lại đêm hội cồng chiêng thuở nào. Được biết, hiện nay, dân tộc M’Nông sống ở Đăk Nông bảo lưu gần 20 bài nhạc chiêng phục vụ nghi lễ, tùy lễ hội bài cồng chiêng sẽ diễn tấu âm điệu khác nhau… Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng là hoạt động cộng đồng không phân biệt giới tính, tuổi tác và xem trọng việc thừa kế nhằm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống
Đường mòn xuống thác Liêng Nung, dòng thác giữa lòng thị xã, nằm trên quốc lộ 28, cách Gia Nghĩa chưa tới 10km vốn âm u, lạnh lẽo, nhiều đoạn khúc khuỷu, gập ghềnh, cây dại phát tán, che khuất buộc chúng tôi phải khai thông ngõ mới. Cuối cùng, dòng thác xuất hiện, hai cột nước chảy xối xả trên vòm đá cao 30m tung bọt trắng xóa và bụi nước mù mịt cả một vùng. Dưới chân thác thân cây trôi dạt, quanh thác chưa có dấu hiệu can thiệp của con người nên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy.
Một trong những cảm giác khoan khoái nhất ở Tây Nguyên là tắm thác Lưu Ly, một ngọn thác nhỏ nằm trong vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, huyện Đắk Song, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 40km. Dòng nước mát lạnh dường như xua đi cái nóng bức vì leo trèo, tản bộ trong rừng khiến tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn và tạm quên đi sự nhức nhối ở đôi chân do leo trèo ngày hôm qua.
Mười ba thác nước giữa đại ngàn, khu bảo tồn thiên nhiên cố kết trong một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Đắk Nông hội tụ rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa... Tuy nhiên, ngành Du lịch địa phương cần đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng đặc biệt về đường xá giao thông, lối đi bậc thang và hàng rào bảo hiểm quanh thác nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Đắk Nông vừa “sở hữu” một phần cuối của đại ngàn Tây Nguyên về hướng Tây Nam, độ cao trung bình từ 600m - 700m so với mặt biển vừa có mạng lưới sông suối, hồ, phân bố tương đối đều khắp. Đã có rừng, có sông suối, ắt có thác nước. Quả thật hiện nay ngoài thác D’ray Sáp, D’ray Nur, Trinh Nữ, Gia Long nổi tiếng nhất ở Tây Nguyên, ĐắkNông còn tiềm ẩn nhiều ngọn thác hoang dã, nguyên sơ chưa khai thác.
|
Bài và ảnh: Trần Thế Dũng
(Tạp chí Du lịch)