Đó là màu của những vòm mận trắng tinh khôi, hoa mận đầy tay cây, cánh bay theo gió nhè nhẹ đậu lên vai lên tóc như làm duyên cho “noọng slao” be bé. “Noọng slao” má sẵn hồng như hoa đào núi giêng hai.
Xanh những gánh cải xoong, pha tía màu sắc nhìn đã thấy ngọt giọng, khẩu sli với đường phên nâu óng, đậu phụ chao nâu hiền…
Sặc sỡ nhất là chung quanh đôi tay múa chữ của những ông đồ. Từng dải mùa xuân phất phới bay.
Màu Tết Tày không thể thiếu những “lá bùa” đỏ cầu may tự viết, dán lên cây cầu lộc biếc cho cây; dán trên cửa, góc nhà cầu bình an, no ấm cho người; dán lên chuồng trâu chuồng lợn chuồng gà... - thế là con nào cũng tưng bừng ăn Tết.
Mùi tết người Tày là mùi của hương thổ, giấy bản chuẩn bị cắt thành tiền hoa, quần áo gửi lên cho người đã khuất; mùi thơm nồng bột nếp bánh khảo, mùi của lạt khô lá dong nấm hương gạo nếp... lừng hương nồi bánh chưng ngày 30 Tết.
Tết Tày lao xao những thổ âm phiên chợ cuối năm, lẫn vào những hà hà, eng éc, oang oác, quàng quạc... chuẩn bị cho những mâm cỗ “Bươn Chiêng” (tháng giêng). Thỉnh thoảng nghe một tiếng “bùm” – thế là biết có cái bầu đen bóng vừa “đẻ” xong một mẻ ngô nổ bung trắng xóa. Còn cả tiếng ăng ẳng cún con bị lũ trẻ vì yêu mà ôm đi bế lại.
Ngày “hạ lợn” (khả mu) với cánh đàn ông Tày chính là ngày vui nhất, còn với những người phụ nữ chắc chắn là ngày bận rộn luôn tay. Ngày này thường diễn ra vào 27, 28 tháng chạp. Anh em khắp nơi về giúp nhau mổ lợn sắp mâm ăn bữa đoàn viên cuối năm... Người ta bảo người đón Tết Tày còn vui hơn ăn đám cưới.
Điều đặc biệt của Tết Tày còn là những khoảng lặng, khi bước chân người bà nhỏ bé chầm chậm gánh một đầu là mâm trúc, đầu kia là cái giỏ mây đựng mấy thức cúng cao xanh. Trên thảm lá mục trước miếu thổ công đầu bản, dưới tán cây lê già, bà bày mâm, xì xụp khấn vái, cả muôn điều đều mong cho con cháu yên vui.
Chiều 30, rác rưởi, lá khô được gom lại đốt đi, đêm 30 không ai còn đốt lửa ngoài đường nữa.
Trước đêm trừ tịch, ban thờ nhà ai cũng đã được trang hoàng trịnh trọng, câu đối còn thơm màu mực, bát tro ấm đốt từ vỏ thóc nếp, hai cây mía làm gậy chống cho mụ Dạ Dìn đứng hai bên, nước đã trữ đầy mọi thùng mọi chậu... Bữa cơm tất niên dọn ra cùng lúc vớt chiếc bánh chưng đầu tiên, nhà nào cũng ăn bằng hết một con vịt để tống tiễn mọi sự xui xẻo.
Đêm giao thừa, màu sắc, âm thanh, mùi vị... thảy đều tĩnh lặng trong khoảnh khắc tưởng nhớ tổ tiên. Cả gia đình ai nấy sạch sẽ thơm tho, xống áo mới chỉnh tề, vái lạy trước ban thờ trong làn hơi bốc lên nghi ngút từ nồi nước lá bưởi đang sôi sùng sục quanh con dao quắm nung đỏ lửa. Hương thơm tỏa khắp gian nhà sàn, xua tan những băn khoăn, u ám, đem về một năm mới thiêng liêng, thanh sạch, bình yên.
Sáng mồng một, kiêng không vào nhà người khác, người Tày ở trong nhà mình hoặc rủ nhau đến những ngôi đền xưa, tường vàng đất trộn mật mía, kính cẩn thắp nén hương.
Mồng hai là ngày con rể chúc tết bố mẹ vợ, cũng là dịp du xuân í a. Đồ lễ là các loại bánh trái nhưng không thể thiếu một con gà sống thiến. Lủng lẳng lồng ngoài gà trong lọc xọc cúc quác theo chân những gia đình nhỏ về thăm ông bà ngoại.
Người Tày “mời rượu cả chum, mời quả cả cây/ Tết tháng giêng hẹn từ tháng bảy/ Thương nhau không nói nhiều lời”… yêu lắm, thương lắm, nồng thắm lắm, thế nên rượu uống tràn cả tháng giêng ngả nghiêng không hết...
Suốt những ngày Tết, suốt cả tháng giêng, “Bươn chiêng, pi mấu nớ!...” (tháng giêng, năm mới rồi đấy nhé!...) cứ ngân nga như một điệp khúc xuân của người Tày trên rẻo cao.
Nhuệ Anh
Nguồn: Tạp chí Du lịch