(VTR) - Ban chỉ đạo Tây Bắc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý về nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ để phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Quốc Hưng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Tây Bắc cùng các nhà khoa học và các nhà quản lý.

Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo đã trình bày báo cáo đề dẫn và thảo luận nhiều vấn đề như: giới thiệu điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, con người vùng Tây Bắc và những vấn đề cần giải quyết; giới thiệu nội dung chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển vùng Tây Bắc; nguồn lực tự nhiên, tiềm năng và thách thức trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc; nhu cầu nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội; các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề định hướng thu hút đầu tư…
Ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã giới thiệu Chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc mang tên: "Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, mô hình và giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Theo đó, Chương trình đặt ra mục tiêu xây dựng các quy hoạch tổng thể vùng, liên vùng, ngành, liên ngành phát triển bền vững; xây dựng các mô hình trình diễn (mô hình sinh kế mới, du lịch, kinh tế biên mậu, kinh tế nông hộ...); chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ chế chính sách... Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều thống nhất: Để chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, cần có sự nghiên cứu trao đổi của các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp… vì đây là nền tảng vững chắc cho thành công của chương trình.
Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang) mong muốn các nhà khoa học sẽ quan tâm hơn nữa đến việc chuyển giao công nghệ, để giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc sản xuất sản phẩm mang công nghệ cao.
"Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, mô hình và giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" là chương trình khoa học - công nghệ nên cần có sự tập trung trí tuệ của các nhà khoa học, trong đó chú trọng tính khái quát, trọng tâm là dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, để từ đó xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, với mục đích đến năm 2015 khi sơ kết chương trình sẽ đạt được những kết quả thiết thực.
PV