Đèo Pha Đin
Chữ Pha Đin trong tiếng Thái có nghĩa là trời và đất, tên con đèo hàm nghĩa đây là nơi đất và trời gặp gỡ. Đèo dài 32km nằm trên quốc lộ 6 nối từ huyện Thuận Châu (Sơn La) tới huyện Tuần Giáo (Điện Biên).
Điểm cao nhất của đèo Pha Đin là 1648m, địa thế rất chênh vênh, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu và độ dốc trung bình khoảng 150. Từ đỉnh đèo Pha Đin nhìn xuống là thung lũng Mường Quài xanh mướt tương phản với nền trời lúc nào cũng được bao phủ bởi lớp sương mù trắng sữa. Đặc biệt, ngay trên đỉnh đèo là chợ của người dân họp vào buổi sáng mỗi ngày, bán rất nhiều sản vật độc đáo của địa phương.
Đèo Pha Đin với độ dốc trung bình 150
Đèo Khau Phạ
Khau Phạ là tên ngọn núi cao nhất khu vực Mù Cang Chải (Yên Bái), trong tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời, có thể hiểu là ngọn núi nhọn nhô cao hướng lên trời xanh.
Chiều dài của đèo Khau Phạ khoảng 40km quanh co và dốc đứng thuộc quốc lộ 32, nằm ở độ cao 1200m so với mặt biển. Du khách đến đây ngoài cảm giác trở về với sự hoang sơ còn được tận hưởng khí hậu 4 mùa trong một ngày, thậm chí trong mùa đông, đỉnh đèo thường xuất hiện băng tuyết. Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng ngoạn những nương ruộng bậc thang nổi tiếng của Mù Cang Chải, nằm trên cao nguyên bao phủ bởi những dãy núi đá trùng điệp.
Đèo Khau Phạ vẫn còn nhiều đoạn đường rất xấu, thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa bão gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển nhưng lại hấp dẫn những du khách ưa mạo hiểm.
Thung lũng Tú Lệ nhìn từ đèo Khau Phạ
Đèo Mã Pí Lèng
Đèo Mã Pí Lèng, danh thắng cấp quốc gia được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Đây cũng là con đường đèo cao nhất Việt Nam với độ cao đỉnh đèo xấp xỉ 2000m, dài 20km chạy vòng vèo quanh núi Mã Pí Lèng trên nền trầm tích cổ hàng trăm triệu năm, xen giữa những phiến đá vôi, đá phiến ánh chứa đầy những hóa thạch quý và dấu tích đặc biệt của thời gian.
Con đường đèo 20km tuyệt đẹp này còn là một kỳ quan từ sức lao động của hàng vạn thanh niên xung phong trong 6 năm ròng rã (1959-1965), với hàng triệu lượt ngày công mà hầu hết là bằng lao động thủ công. Thậm chí, để có những đoạn đường đầu tiên, những thanh niên xung phong trong đội cảm tử phải treo mình trên độ cao 1600m và đục bằng tay từng m3 đất đá...
Đèo Ô Quý Hồ
Được mệnh danh là con đèo hùng vĩ và hiểm trở nhất trên mọi cung đường, Ô Quý Hồ nối liền hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai cũng là con đèo dài nhất Việt Nam với chiều dài lên tới 50km và độ cao cũng xấp xỉ 2000m. Tên gọi Ô Quý Hồ bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian về tình yêu của một đôi lứa, gắn liền với sự tích của tên gọi một loài chim có tiếng kêu da diết như hoài niệm người tình xưa.
Những con đường trong sương của đèo Ô Quý Hồ
Ngoài con đường mê hoặc bởi những khúc cua tay áo liên tục, Ô Quý Hồ còn hấp dẫn ở sự khác biệt rất lớn về nhiệt độ ở hai phía của con đèo. Nếu du khách đang chịu cái nóng ấm hơi khô của sườn Tây dãy Hoàng Liên (thuộc địa phận Lai Châu) thì sẽ ngạc nhiên thích thú khi vượt qua đỉnh đèo Cổng Trời của Ô Quý Hồ để đón nhận hơi gió lúc nào cũng ẩm và mát lạnh bên phía Sapa (Lào Cai).
Từ đỉnh đèo, chỉ đi thêm một đoạn không xa là quý khách đã tới trạm kiểm lâm Trạm Tôn, vừa là nơi nghỉ ngơi cho du khách sau một chặng đường dài vừa là điểm xuất phát cho nhiều tour trekking thăm thác Tình Yêu hoặc tour chinh phục Fansipan, nóc nhà Đông Dương.
Bài & ảnh: Bảo Linh