.jpg)
Thiết bị trên tàu Kiểm ngư bị tàu Trung Quốc đâm hỏng
Tàu cá Việt Nam tiếp tục bám ngư trường cách khu vực giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 35-40 hải lý tổ chức đánh bắt thủy sản, tổ chức đấu tranh phản đối hành động ngang ngược của tàu cá, tàu hải cảnh Trung Quốc và phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong khu vực nhằm đòi lại ngư trường truyền thống của ngư dân ta. Trong quá trình hoạt động, tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc đã có những hành động manh động, nguy hiểm đối với tàu cá Việt Nam.
Theo Cục Kiểm ngư, tại khu vực giàn khoan, các tàu của Trung Quốc gồm tàu hải cảnh, hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải đã tổ chức thành từng nhóm để ngăn chặn quyết liệt hơn, manh động hơn, sẵn sàng tổ chức đâm va, hú còi, phun vòi rồng vào các tàu Kiểm ngư Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan để thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, lúc 14 giờ ngày hôm nay, 7/6, tàu kéo Trung Quốc có số hiệu 281 đã đâm trực tiếp vào mạn trái tàu Kiểm ngư KN-635 của Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng Kiểm ngư đã xử lý tình huống kịp thời và đảm bảo tàu hoạt động bình thường trở lại.
*Quốc hội gửi thư tố cáo vi phạm của Trung Quốc tới nghị viện các nước
Ngày 6/6, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng có thư gửi Chủ tịch Ủy ban đối ngoại nghị viện các nước, Tổng Thư ký liên minh nghị viện thế giới và các tổ chức liên nghị viện khác thông báo về tình hình Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam tại biển Đông.
Từ ngày 1/5 đến nay, Trung Quốc với lực lượng hộ tống mạnh mẽ của hàng trăm tàu chấp pháp, tàu chiến và máy bay quân sự đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam
Đồng thời, thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng bày tỏ sự cảm ơn và đề nghị nghị viện, các tổ chức quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này.
*Phái đoàn Việt Nam tại Geneve gửi công hàm phản đối Trung Quốc
Phái đoàn Việt Nam tại Geneve, Thụy Sĩ hôm qua gửi công hàm lần hai cho đại diện thường trực các nước và tổ chức quốc tế, nhằm phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 và các hoạt động gây hấn của tàu thuyền nước này.
Công hàm cập nhật tình hình vụ Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương-981 và các hoạt động gây hấn của tàu thuyền nước này tại khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Công hàm nêu rõ trong hơn một tháng qua, kể từ ngày 2/5, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam, nước này liên tục điều hàng trăm tàu, gồm cả tàu chiến, máy bay quân sự hoạt động với cường độ cao, quấy nhiễu, gây hấn và tấn công các tàu chấp pháp của cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam cũng như các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong khu vực. Vụ việc làm một số người bị thương và gây hư hỏng hàng chục tàu, thuyền và nhiều thiệt hại về tài sản cho phía Việt Nam.
Đặc biệt nghiêm trọng, tàu Trung Quốc hôm 26/5 đâm chìm tàu cá ĐNA 90152 TS của ngư dân Đà Nẵng đang hoạt động tại ngư trường truyền thống gần khu vực Hoàng Sa của Việt Nam. Công hàm yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay lập tức và vô điều kiện giàn khoan nói trên khỏi Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt mọi hoạt động phi pháp, quấy nhiễu và gây hấn đối với các tàu thuyền của Việt Nam ở đây, trừng trị nghiêm khắc thủ phạm và đền bù các thiệt hại mà họ gây ra cho phía Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam cũng kiên quyết bác bỏ những luận điệu vu cáo, bịa đặt trắng trợn của phía Bắc Kinh nêu trong công hàm mà phái đoàn Trung Quốc gửi cho các tổ chức quốc tế và phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneve ngày 2/6.
Dựa trên những lập luận về pháp lý và lịch sử, công hàm của phái đoàn Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và bác bỏ hoàn toàn đòi hỏi chủ quyền không có cơ sở pháp lý của phía Trung Quốc đối với quần đảo này.
Công hàm chỉ rõ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 và các hoạt động gây hấn của phía Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.
Công hàm của ta cũng nêu bật chủ trương và thái độ thiện chí của nhà nước Việt Nam kiên trì giải quyết bằng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) đối với các tranh chấp với Trung Quốc cũng như các nước có liên quan khác.
Văn bản kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phê phán hành vi và những đòi hỏi sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và ngừng các hành động khiêu khích và đe dọa đối với Việt Nam, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng những biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
*Gắn bản đồ Việt Nam bằng gốm ở Trường Sa Lớn
Tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm in rõ nét từng địa danh, từng tên đảo, đá, cồn san hô, từng bãi cạn, bãi ngầm… vừa được gắn tại đảo Trường Sa Lớn. Bản đồ Việt Nam bằng gốm này có kích thước: 2,3m x 1,9m, gồm 88m miếng gốm ghép lại, nung trên 1200 độ C. Khi ghép 88 miếng gốm lại, bản đồ CHXHCN Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng các hòn đảo khác dọc chiều dài lãnh thổ Việt Nam hiện ra rõ nét, chính xác đến từng chi tiết nhỏ.
Tác giả của tấm bản đồ này là họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, người trước đó đã thực hiện các tác phẩm Cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam (trên nóc Nhà văn hóa của thị trấn Trường Sa Lớn) cùng 6 bức tranh gốm đề cao hình tượng người chiến sỹ hải quân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trên đảo Trường Sa Lớn.
Từ mẫu Bản đồ Biển đảo Việt Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân, tại xưởng gốm Bát Tràng, nữ họa sỹ đã cùng họa sỹ Phan Thanh Sơn và nhóm sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chuyển thể từ bản đồ vẽ trên giấy sang tấm đất sét lớn, chia cắt thành các tấm nhỏ theo đường lượn của biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đường bờ biển, các đảo và quần đảo.
Qua những lần trao đổi, làm việc, họa sỹ đã dựa vào 11 đảo ven bờ có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
PV