Thực trạng lao động tự do trong hoạt động du lịch, dịch vụ hiện nay
Do không thuộc bất kỳ một tổ chức nghề nghiệp, hay một doanh nghiệp cụ thể nào nên số lao động tự do hoạt động du lịch, dịch vụ không có lương cố định cũng như các chế độ phúc lợi và các vấn đề về an sinh xã hội khác, trong khi môi trường sống, môi trường làm việc rất phức tạp, nặng nhọc. Đáng chú ý, số lao động tự do là trẻ em tham gia vào hoạt động du lịch dịch vụ chiếm tỷ lệ khá lớn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2003 cả nước chỉ có khoảng 100.000 lao động trẻ em, trong đó số lao động trẻ em tham gia vào các hoạt động du lịch, dịch vụ khoảng 30.000, thì đến năm 2015, con số này đã lên tới 1,75 triệu, lao động trẻ em làm dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn (theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO công bố nhân Ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6). Một hình ảnh thường thấy ở bất kỳ khu, điểm du lịch nào trên cả nước là tình trạng trẻ em bán hàng rong đeo bám, chèo kéo du khách mua đồ lưu niệm. Cá biệt còn có tình trạng trẻ em xin tiền của khách, tạo ra hình ảnh phản cảm trong mắt khách du lịch quốc tế.
Một số giải pháp nhằm tạo việc làm ổn định cho lao động tự do
Triển khai công tác đào tạo cho lao động du lịch tự do là một hướng đi cần thiết, không những nâng cao chất lượng lao động, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện qua cung cách phục vụ mang tính chuyên nghiệp, tạo môi trường du lịch lành mạnh, tăng cơ hội việc làm và thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tác động tích cực đến sự phát triển của du lịch.
Nhiều quốc gia đã triển khai đào tạo nghề cho lao động du lịch tự do, như Sáng kiến thanh niên lập nghiệp (YCI) là chương trình cung cấp kỹ năng sống cho thanh niên thiệt thòi, tạo cơ hội cho họ cải thiện năng lực làm việc và tăng cường cơ hội việc làm. Chương trình này xuất phát từ Bangkok năm 1995 từ chương trình phát triển nghề cho thanh niên, một sáng kiến cộng đồng của Tập đoàn khách sạn liên Thái Bình Dương. Chương trình rất thành công và được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Mỗi năm, hơn 50 khách sạn hàng đầu đào tạo nghề cho 420 thanh niên ở 11 quốc gia; Ngoài ra Trung tâm đào tạo của Hiệp hội nấu ăn Mỹ (CUTC) là liên doanh của các hội nghề đơn lẻ gồm nhiều chủ sử dụng lao động với gần 50.000 người lao động được tổ chức thành công đoàn ở Las Vegas - một trung tâm du lịch và dịch vụ đang phát triển rất nhanh ở Mỹ.
Tại Việt Nam, Dự án “Đào tạo du lịch tạo tác động lớn về thu nhập và việc làm” (HITT) đã được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) triển khai từ năm 2011 đến năm 2014 hướng tới nhóm đối tượng không có điều kiện tốt để tìm ra cơ hội việc làm, giúp họ nâng cao kỹ năng nghề. Dự án còn giúp hòa nhập cũng như mang lại cơ hội bình đẳng cho nhóm lao động dễ bị tổn thương của xã hội như cộng đồng nông thôn, thanh niên, phụ nữ và người dân tộc thiểu số tham gia làm du lịch.
Dự án này nằm trong khuôn khổ Chương trình “Phát triển các phương pháp và dịch vụ giáo dục đào tạo nghề cho khối kinh tế tự do” do Cộng đồng châu Âu (EC) tài trợ, tập trung vào một số tỉnh nghèo ở Tây Bắc và miền Trung, trong đó có bốn địa bàn du lịch trọng điểm tập trung số lượng lớn lao động tự do gồm Hà Nội, Sapa, Huế và Hội An. Theo đó, sau bốn tháng đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau, phần lớn nhóm đối tượng lao động này đã có khả năng tìm được công việc ổn định.
Ngoài ra, mô hình như hệ thống nhà hàng Koto ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - không chỉ nổi tiếng bởi có những món ăn ngon, phong cách phục vụ chuyên nghiệp mà còn là nơi đào tạo miễn phí nhiều nghề cho hàng trăm trẻ em nghèo đường phố. Tùy theo năng khiếu và sở thích, các em được lựa chọn học các khóa đầu bếp, quản lý nhà hàng - khách sạn hay pha chế. Được sáng lập từ năm 2000, đến nay Koto đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho trẻ em đường phố, có hoàn cảnh khó khăn với trên 500 học viên tốt nghiệp và có việc làm ổn định, không ai trở về cuộc sống đường phố như trước. Bên cạnh đó, giải pháp phát triển mô hình du lịch cộng đồng, các làng nghề thủ công truyền thống ở một số địa phương như Sapa, Cát Bà… có sự tham gia của trẻ em cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Những mô hình này đã tạo cho các em cơ hội làm việc, kiếm tiền, phụ giúp gia đình phù hợp với sức khỏe mà không ảnh hưởng đến học hành và tương lai.
Việt Nam còn có các dự án của các tổ chức nước ngoài giúp phát triển và tạo việc làm vì người nghèo trong ngành Du lịch đã cũng được thực hiện trong nhiều năm, như Dự án Lux-Development VIE/031 (Tăng cường nhân lực trong ngành khách sạn và du lịch tại Việt Nam từ 2010 đến 2012, tập trung vào xây dựng năng lực cho một số trường trung học và cao đẳng du lịch được lựa chọn); Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) quản lý “Dự án Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam” (do Chính phủ Luxembourg tài trợ)... Bên cạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề cho lao động tự do, việc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của quốc tế là hết sức quan trọng để góp phần phát triển du lịch vì người nghèo và giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Một số giải pháp đề xuất như tập trung đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tạo hình ảnh thân thiện, giúp người lao động và cộng đồng nhận thức được lợi ích mà sự phát triển của du lịch mang lại; tùy theo tình hình, các địa phương nên có kế hoạch mở các khóa đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức và những kỹ năng nghề cần thiết cho lao động tự do trên địa bàn về giao tiếp, ngoại ngữ, hướng dẫn tham quan, lữ hành, nấu ăn, biểu diễn văn nghệ, tạp vụ… tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là hết sức quan trọng.
Sự cần thiết đối với nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động tự do còn đòi hỏi phải có khung bảo trợ xã hội và nó liên quan chặt chẽ đến nghèo đói, việc thiết kế các biện pháp an sinh xã hội mở rộng đến khu vực lao động tự do là một thách thức không hề nhỏ, nhưng về mặt lâu dài thì đây là nỗ lực quan trọng giúp kết thúc vòng luẩn quẩn của chất lượng lao động kém, thu nhập thấp và môi trường làm việc nguy hiểm cho những người lao động tự do.
ThS. Đỗ Thị Thu Huyền
Tạp chí Du lịch 7/2016