Chủ động ứng phó với tình hình, gặt hái nhiều thành công
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, ngành Du lịch Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao với lượng du khách quốc tế tăng trung bình khoảng 9%/năm. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ được tăng cường đầu tư gắn với quy hoạch, phát triển của các khu, tuyến, điểm, đô thị du lịch trên cả bảy vùng du lịch của cả nước. Việt Nam đã bước đầu hình thành các địa bàn du lịch trọng điểm có vai trò động lực đối với sự phát triển của Ngành. Số lượng doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, giải trí, dịch vụ ngày càng phát triển về chất và lượng, hình thành nhiều sản phẩm đa dạng, có sức hấp dẫn đối với du khách. Mấy năm gần đây, hàng loạt khách sạn và tổ hợp resort từ bốn đến năm sao, có quy mô lớn ra đời, có khả năng phục vụ dòng khách cao cấp với chất lượng cao. Hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, hòa bình được du khách công nhận. Đó là những điều kiện thuận lợi giúp ngành Du lịch tiếp tục phát triển.
Những năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến sự phát triển du lịch thế giới. Tuy nhiên, Du lịch Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước với những kết quả đáng khích lệ. Năm 2013, Du lịch Việt Nam đón và phục vụ trên 7,5 triệu lượt khách quốc tế và hơn 35 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 200 ngàn tỷ đồng, cán đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra năm 2015 trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2014, mặc dù đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi nhưng Du lịch Việt Nam vẫn đón xấp xỉ 8 triệu lượt khách quốc tế và gần 38 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch đạt hơn 230.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Ngành Du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự phối hợp hỗ trợ tích cực của các Bộ, Ngành, tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, các doanh nghiệp du lịch bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để duy trì được đà tăng trưởng trước những biến động của tình hình thế giới, căng thẳng ở biển Đông gây giảm sút đột ngột về lượng khách quốc tế.
Ứng phó với tình hình trên biển Đông, ngành Du lịch đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp: kịp thời nắm bắt thông tin, thành lập tổ công tác đặc biệt và các đoàn công tác đi nắm bắt tình hình tại các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng; chủ động xây dựng báo cáo nhanh tình hình, kế hoạch ứng phó, mở rộng thị trường; tăng cường thông tin đến các cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam… Đồng thời, tổ chức triển khai các hoạt động theo Kế hoạch 46/KH-BVHTTDL về việc ứng phó với diễn biến của tình hình mới.
Về quản lý nhà nước, ngành Du lịch đã thực hiện có hiệu quả nhiều đề án quan trọng, các nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch, Chương trình Xúc tiến Du lịch quốc gia. Ngành thường xuyên triển khai các hoạt động nghiệp vụ lữ hành, khách sạn; đào tạo nguồn nhân lực, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm; tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá… trong nước và các thị trường trọng điểm quốc tế, thu hút được sự quan tâm của báo chí cũng như du khách trong và ngoài nước.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, khích lệ người dân tham quan du lịch tới các vùng miền trong nước, qua đó nâng cao tình yêu quê hương đất nước và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, ngành Du lịch đã tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 3423/QĐ-BVHTTDL ngày 17/10/2014 về việc ban hành Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam – Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Chương trình đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và cộng đồng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Đây là một trong những động thái ứng phó chủ động, kịp thời trước tình hình phức tạp trên biển Đông, dịch bệnh Ebola bùng phát ở châu Phi, tình hình chính trị bất ổn ở một số quốc gia trong khu vực…
Ngành Du lịch đã chủ động hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công các sự kiện du lịch lớn trong nước như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – Hà Nội (VITM 2014) với chủ đề “Kích cầu du lịch – Điểm đến mới, cơ hội mới và du lịch có trách nhiệm”, Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC 2014) với chủ đề “Năm quốc gia – Một điểm đến”. Đồng thời, phối hợp với Lâm Đồng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên tổ chức thành công chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2014 tại Lâm Đồng với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên”; tích cực phối hợp, hỗ trợ Thanh Hóa chuẩn bị tổ chức tốt Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa mang chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”.
Cuối năm 2014, ngành Du lịch đã đón nhận nhiều tín hiệu vui. Nhiều dự án đầu tư lớn được đưa vào hoạt động như Vinpearl Phú Quốc với 750 phòng nghỉ cao cấp có thể cùng lúc đón 2.000 lượt khách lưu trú, chuỗi khách sạn cao cấp của Tập đoàn Mường Thanh đưa vào khai thác 7 khách sạn mới tiêu chuẩn 4 - 5 sao tại nhiều địa phương… Ghi nhận những đóng góp tích cực, hiệu quả của doanh nghiệp lữ hành từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng của Việt Nam (Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, ASEAN, Australia…), ngành Du lịch đã tổ chức lễ vinh danh 47 hãng lữ hành quốc tế đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây vừa là dịp tri ân các hãng lữ hành vừa là cơ hội để tăng cường hợp tác phát triển du lịch, kết nối Việt Nam với quốc tế. Các báo điện tử, Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới (Trip Advisor, Bussiness Insider, New York Times, Huffington Post, Rough Guides…) đã bình chọn Topten nhiều điểm đến, khách sạn, dịch vụ du lịch Việt Nam. Đặc biệt, Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort (TP. Đà Nẵng) vừa vinh dự đạt 4 giải thưởng World Travel Awards 2014 (được xem như giải “Oscar của ngành công nghiệp du lịch thế giới”). Điều đó đã góp phần khẳng định vị thế và quảng bá Du lịch Việt Nam trên toàn cầu.
Ngành Du lịch cũng đã tập trung cho công tác quy hoạch các vùng, khu, điểm du lịch để tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững. Nhiều quy hoạch phát triển du lịch vùng và các khu du lịch quốc gia được xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thu nhập xã hội từ du lịch, tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch trong GDP cả nước và năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan. Hạ tầng du lịch cần được tập trung quản lý cải thiện để tạo nên niềm tin cho du khách. Môi trường du lịch cần được tiếp tục quan tâm cải thiện.
Tạo bước đột phá trong năm 2015
Để tạo bước đột phá cho Du lịch Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành là cơ hội để tạo bước chuyển biến đột phá trong phát triển du lịch, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh và xu thế mới của khu vực cũng như quốc tế. Nghị quyết số 92/NQ-CP là kết quả của quá trình tổng kết về lý luận, kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển du lịch những năm qua, đưa ra nhiều giải pháp cần thiết, mạnh mẽ giải quyết những nội dung rất cơ bản cho ngành Du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có 5 vấn đề trọng tâm: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; Tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch; Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
Ngay sau khi Nghị quyết 92/NQ-CP ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo ngành Du lịch chủ động đề xuất kế hoạch hành động cụ thể và phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để triển khai đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Năm 2015, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi tại nhiều quốc gia phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tranh chấp chủ quyền biển đảo còn phức tạp. Tuy nhiên, theo dự báo Du lịch vẫn là ngành tiếp tục phát triển, dòng khách quốc tế có xu hướng chuyển dịch đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có điểm đến Việt Nam. Một số thị trường truyền thống có cam kết hợp tác mạnh mẽ hơn (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Nga), một số thị trường mới có nhiều tín hiệu tích cực (Ấn Độ, Trung Đông). Tình hình kinh tế trong nước dần ổn định và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu với quốc tế, các hoạt động ngoại giao, giao lưu văn hóa sẽ đa dạng hơn, du lịch sẽ có nhiều cơ hội cùng phát triển. Cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã có những kinh nghiệm ứng phó với diễn diễn phức tạp từ các biến động xã hội, dịch bệnh, thiên tai trong thời gian qua.
Năm 2015, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 41 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 270 ngàn tỷ đồng.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, ngành Du lịch xác định tập trung triển khai Nghị quyết 92/NQ-CP là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Trong đó, triển khai các giải pháp liên ngành đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam là ưu tiên hàng đầu.
Ngành Du lịch tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm vượt qua khó khăn thách thức, duy trì tốc độ tăng trưởng của toàn Ngành, thu hút khách quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm; mở rộng thị trường, tăng cường hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến và đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”. Du lịch Việt Nam tiếp tục chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện, triển khai các đề án, chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển vùng,khu, điểm du lịch quốc gia; hỗ trợ, phát triển sản phẩm; xây dựng thương hiệu du lịch và tổ chức truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế thường niên quan trọng: Intour Market, MITT, WTM, ITB Berlin, ITB Asia, CITM, Travex, TTM plus, ATF; tổ chức chương trình phát động thị trường tại một số thị trường trọng điểm; nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch; tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2015; tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí từ các thị trường trọng điểm... Hỗ trợ và phối hợp với Thanh Hóa và các địa phương tổ chức tốt các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa mang chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”.
Nhân dịp chào đón Năm mới Ất Mùi, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tôi xin gửi tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, Ngành đã luôn quan tâm và đồng hành cùng ngành Du lịch lời cảm ơn sâu sắc; xin gửi đến toàn thể CBCNV và người lao động ngành Du lịch lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Ông Nguyễn Văn Tuấn
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
(Nguồn: Tạp chí Du lịch, số tháng 1/2015)