Hội nghị có sự tham gia của 16 Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại một số thị trường du lịch trọng điểm ở nước ngoài và Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng chủ trì hội nghị.
|
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Ngoại giao, kinh tế và văn hóa là ba yếu tố cơ bản, là “chân kiềng” trong chính sách đối ngoại nhằm xây dựng hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá truyền thống văn hóa Việt Nam và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia trên toàn thế giới. Trong nhiều năm qua, công tác ngoại giao là cầu nối lan tỏa, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá du lịch Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Thông qua các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch thu hút được sự quan tâm lớn và để lại ấn tượng sâu sắc về đất nước, văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế và thu hút được số lượng lớn du khách tới Việt Nam.
Trong nhiều năm, Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong hai năm 2020 - 2021, do tác động của đại dịch COVID-19, các hoạt động văn hóa đối ngoại, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đã phải tạm ngưng; du lịch toàn cầu trong đó có Du lịch Việt Nam đang gặp phải những khó khăn chưa từng có; và vấn đề an toàn đang là một thách thức lớn đối với công tác phục hồi mở cửa du lịch trở lại tại Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng chính sách kích cầu phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Kế hoạch tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó việc tăng cường truyền thông, quảng bá đối với các thị trường quốc tế trọng điểm được xác định là mắt xích quan trọng để phục hồi thị trường quốc tế - thị trường có vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong cấu phần tổng thu du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn phù hợp với diễn biến tình hình và kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới.
Đồng thời, tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam hiện nay đang khá khả quan, trong đó 30,4 triệu người đã tiêm, trong đó có 7,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine, đặc biệt ở các trung tâm du lịch lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… có tỷ lệ cư dân tiêm chủng cao hơn, có nơi đã đạt trên 80%. Riêng Phú Quốc đã hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho 100% cư dân và người lao động, sẽ hoàn thành tiêm chủng mũi 2 trong tháng 11/2021, tạo điều kiện đạt miễn dịch cộng đồng, sẵn sàng đón du khách quốc tế quay trở lại.
|
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, từng bước mở rộng ra một số địa phương và tiến tới mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế. Đó là (1) Lựa chọn thị trường khách du lịch quốc tế từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Úc.... (2) Xác định địa điểm giới hạn một số khu, điểm trên địa bàn thành phố Phú Quốc trong thời gian 6 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2021; lộ trình triển khai thí điểm theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 3) thông qua các chuyến bay thuê chuyến, triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế, và giai đoạn 2 (từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6) sau khi đánh giá giai đoạn 1 triển khai thí điểm, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô, phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế. (3) Lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ (lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch) đủ điều kiện phục vụ khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. (4) Xây dựng quy trình xuất nhập cảnh, cách ly y tế, vận chuyển, tham quan, lưu trú, sử dụng các dịch vụ du lịch của khách du lịch quốc tế từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh, rời thành phố Phú Quốc và phương án xử lý sự cố y tế phát sinh trong giai đoạn thí điểm. (5) Truyền thông, giới thiệu kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. (6) Vận chuyển khách đảm bảo theo đúng quy trình khi khách đi đến và rời khỏi Phú Quốc. (7) Phục vụ khách tại các cơ sở dịch vụ. (8) Phối hợp đảm bảo các điều kiện đón khách và xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh. (9) Kiểm tra, giám sát các hoạt động thí điểm đón khách du lịch tại thành phố Phú Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và xử lý vi phạm phát sinh, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho địa phương và khách du lịch. (10) Đánh giá kết quả triển khai thí điểm, đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế
Cùng với đó, Tổng cục Du lịch cũng ban hành Kế hoạch xúc tiến, quảng bá, kích cầu phục hồi du lịch đến năm 2022 với mục tiêu nâng cao hiệu quả chương trình mở cửa đón khách quốc tế và kích cầu du lịch nội địa. Đối với thị trường quốc tế, dự kiến chia làm 3 giai đoạn (thí điểm tại Phú Quốc, mở rộng mô hình sang một số địa phương và tiến tới mở cửa hoàn toàn).
Giai đoạn mở cửa thí điểm Phú Quốc sẽ triển khai Chương trình truyền thông “Roam Phu Quoc”. Đây là chương trình mở đầu cho Chiến dịch xúc tiến, quảng bá phục hồi Du lịch Việt Nam năm 2021 - 2022 với tên gọi “Live Fully in Viet Nam”. Mục tiêu của chiến dịch là quảng bá chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, chính sách du lịch “hộ chiếu vaccine”; các quy định, biện pháp bảo đảm du lịch an toàn; chuẩn bị từng bước nhân rộng mô hình ra các điểm đến, địa phương an toàn trong cả nước.
Đến giai đoạn tiếp theo mở rộng mô hình, tiến tới mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch dự kiến triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá trực tiếp, tại chỗ như đón đoàn khảo sát vào Việt Nam, tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại nước ngoài… Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến các điểm đến cấp vùng, địa phương để thu hút khách tới nhiều điểm đến hơn, làm giãn sự tập trung vào một số điểm đến nhất định, kéo dài thời gian lưu trú và khuyến khích khách trở lại; đồng thời, xây dựng, củng cố, định vị thương hiệu với phương châm “Mỗi vùng/điểm đến một trải nghiệm”.
Tại hội nghị, sau khi phản ánh tình hình du lịch và đánh giá sự chuẩn bị công tác đón khách quốc tế của nước sở tại trong thời điểm COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, đại diện các Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã đồng tình với chủ trương thí điểm mở cửa du lịch Phú Quốc và đưa ra giải pháp, sáng kiến cũng như khuyến cáo đối với việc đón khách quốc tế tới Phú Quốc và Việt Nam trong thời gian sắp tới. Đề xuất chủ yếu là tập trung các quy định phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, tổ chức các hoạt động quảng bá hướng đến du lịch theo chuyên đề, kết nối khách hàng tiềm năng với doanh nghiệp du lịch Việt Nam và sản phẩm du lịch Việt Nam…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng chia sẻ: Trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao đã luôn song hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài triển khai thúc đẩy quảng bá văn hóa Việt Nam tới các nước trên thế giới, đóng góp cho ngành Du lịch những kết quả khả quan. Trước tình hình dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát và để tránh đứt gãy thị trường, Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cho mở rộng đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, áp dụng chính sách phù hợp với từng đối tượng (chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đối tác nước ngoài, người Việt Nam sinh sống tại Việt Nam…) theo điều kiện đảm bảo an toàn. Về vấn đề mở cửa du lịch tại điểm đến an toàn, Bộ Ngoại giao cũng kết hợp cùng Bộ Y tế trình Chính phủ thực hiện việc đi lại vừa an toàn vừa nới lỏng thông qua các thông tin điện tử và mã QR, công nhận tạm thời hộ chiếu vaccine của 72 nước. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng triển khai đàm phán để người Việt Nam có thể đi ra các nước.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định: Trong những năm qua, Du lịch Việt Nam không thể “cất cánh” nếu không có sự ủng hộ, hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao nói chungvà các Cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. Thông qua các hoạt động ngoại giao và các sự kiện quảng bá văn hóa, hình ảnh và bản sắc Việt Nam có cơ hội được lan tỏa, tôn vinh, thu hút được sự quan tâm và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng các nước sở tại.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Du lịch Việt Nam trong việc phối hợp để triển khai thành công Kế hoạch thí điểm mở cửa Phú Quốc đón khách quốc tế; thông tin về tình hình du lịch tại các thị trường du lịch, nhu cầu của du khách, các doanh nghiệp, đối tác quốc tế; đề nghị với các nước sở tại kết nối, áp dụng hộ chiếu vaccine cho khách du lịch; tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác quốc tế; phối hợp, hỗ trợ tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá trực tuyến cho Du lịch Việt Nam như webinar, tham gia Hội chợ trực tuyến…; đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng Tổng cục Du lịch trong các hoạt động xúc tiến tại chỗ trong thời gian tới khi điều kiện cho phép như: tham gia hội chợ quốc tế, đón đoàn khảo sát, tổ chức chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam.
Anh Minh