Hiện nay, các chính sách và hoạt động liên quan đến mua sắm công xanh đã được đưa vào thực tiễn trên toàn thế giới và mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho bên mua, bên cung cấp, mà còn cho môi trường và toàn bộ nền kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả mua sắm công bền vững như: Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2010 - 2020; Chiến lược Phát triển xanh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020; Chương trình Nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng; Dịch vụ du lịch bông sen xanh... Tuy nhiên, Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Nguyên nhân là do thiếu tính liên kết giữa các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, quy định; nhận thức và năng lực của các cán bộ mua sắm, đấu thầu về mua sắm công bền vững và tài liệu hướng dẫn lồng ghép các tiêu chí bền vững vào quy trình đấu thầu còn hạn chế; nhận thức về những tác động tích cực của việc áp dụng mua sắm công bền vững của các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ phụ trách về mua sắm công, doanh nghiệp chưa cao.
Thời gian qua, Tổng cục Môi trường Việt Nam và Viện Công nghệ và Công nghiệp môi trường Hàn Quốc (KEITI) đã tích cực, chủ động phối hợp ký kết Thỏa thuận hợp tác về mua sắm công xanh. Chiến lược mua sắm công xanh của Việt Nam mang tính cách mạng, đột phá hướng tới cải thiện chất lượng mua sắm công, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Vì vậy, việc tổ chức các khóa đào tạo tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về mua sắm công là rất quan trọng và được coi là một trong những hoạt động ưu tiên thực hiện trong khuôn khổ triển khai Thỏa thuận giữa Tổng cục Môi trường và KEITI về mua sắm công xanh.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, hệ thống chính sách, cơ chế triển khai mua sắm công xanh tại Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam; giới thiệu Dự án hợp tác về mua sắm công xanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo về mua sắm công bền vững của Tổng cục Môi trường, năm 2015, Việt Nam chi trung bình 20 - 30% ngân sách hàng năm vào mua sắm công và có thể tăng lên tới 50% nếu bao gồm chi tiêu cho thi công. Trong bối cảnh nền kinh tế tái cơ cấu để hướng tới phát triển bền vững, ứng dụng mua sắm công bền vững sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm nâng cao chất lượng sản xuất, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, an ninh và bình đẳng trong xã hội. |
P.V