ĐBSCL có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng được xác định trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên dù có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng do nhiều nguyên nhân, lượng khách, độ dài ngày lưu trú và chi tiêu của khách đến vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Năm 2013, toàn vùng đón 1,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, bằng 8,3% tổng lượt khách du lịch quốc tế trong cả nước; 9,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm 5,8% tổng lượng khách nội địa; tổng thu nhập từ du lịch vùng đạt 5,1 tỉ đồng, bằng khoảng 2,7% tổng thu du lịch cả nước...Trong đó, thị phần du khách quốc tế đến ĐBSCL chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ…
Theo đánh giá của nhiều đại biểu tại hội thảo có nhiều nguyên nhân khiến kết quả du lịch vùng khiêm tốn: cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; sản phẩm du lịch còn nhiều trùng lắp, chất lượng thấp và sức cạnh tranh hạn chế; hoạt động quảng bá xúc tiến chưa mạnh; chất lượng lực lượng lao động du lịch còn nhiều bất cập; hoạt động đầu tư chỉ mới tập trung ở một số địa bàn; đội ngũ công tác quản lý du lịch còn mỏng; liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn yếu…
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn cho biết, liên kết phát triển du lịch đặc thù vùng ĐBSCL nhiều năm qua chưa khai thác được nhiều dù tiềm năng lớn; chưa có kế hoạch và lộ trình phát triển cụ thể và dài hạn; thiếu cơ chế phối hợp giữa các đơn vị… Đồng thời, sản phẩm du lịch vùng thiếu tính đặc thù, trùng lắp. Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch đã được giao nhiệm vụ tìm ra sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL trong lộ trình dự án 3 tháng tới để triển khai vào đầu quý II/2014, nguồn kinh phí sẽ được lấy từ Chương trình mục tiêu quốc gia về du lịch. Hội thảo đưa ra mục tiêu đến cuối năm 2014 sẽ hình thành được sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, tạo bước đột phá mới và chuyển biến mạnh mẽ các hoạt động du lịch trong khu vực.
Trước đó, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến du lịch, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn công tác của các doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, các sở, ngành khảo sát các tuyến điểm du lịch trọng điểm ĐBSCL từ 19-26/3/2014. Đoàn đã khảo sát 8 tỉnh: Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Võ Thắm