Tăng cường kết nối xúc tiến quảng bá du lịch với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Bắc Âu
Tham dự buổi làm việc có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Na Uy Lê Hồng Lam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển Phan Đăng Đương; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm.
Tại buổi tiếp, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã chúc mừng các tân Đại sứ vừa được bổ nhiệm và mong muốn các Đại sứ trong nhiệm kỳ của mình sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ TCDL trong việc thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến người dân và du khách các nước Bắc Âu. Thông tin tới các tân Đại sứ về thành tựu của ngành Du lịch năm 2019, cũng như tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của Du lịch Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019, Tổng cục trưởng khắng định kết quả đó nhờ có sự hỗ trợ của nhiều Bộ, ngành và các lĩnh vực khác, trong đó có vai trò rất lớn của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Để ngành Du lịch thực hiện được mục tiêu năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao đó là đón được 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch đạt 830.000 tỉ đồng, đóng góp 10% vào GDP, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 đã đề ra, ngành Du lịch rất cần tiếp tục có sự hỗ trợ của tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các nước Bắc Âu.
Nhìn chung, hợp tác du lịch song phương giữa Việt Nam và 4 nước Bắc Âu (Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan) còn khiêm tốn do khoảng cách xa về địa lý và đường bay chưa thuận tiện. Việt Nam chưa ký bất kỳ văn kiện hợp tác du lịch nào với các nước này và cũng chưa có bất kỳ dự án đầu tư du lịch nào của các nước Bắc Âu vào Việt Nam. Về hoạt động xúc tiến quảng bá đối với thị trường Bắc Âu, TCDL đã tổ chức chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại 4 nước Bắc Âu vào tháng 9/2017, và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam ở các nước Bắc Âu.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường Du lịch TCDL, thị trường khách du lịch Bắc Âu là thị trường khách chất lượng, có mức chi tiêu cao, là thị trường được miễn visa đơn phương nhiều năm; tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn do quy mô không lớn và chưa có đường bay thẳng tới Việt Nam. Năm 2019, tổng lượng khách 4 nước Bắc Âu đến Việt Nam đạt 142.264 lượt, trong đó cụ thể: Na Uy đạt 28.037 lượt khách (tăng 7,3% so với năm 2018), Đan Mạch đạt 42.043 lượt khách (tăng 5,3% so với năm 2018), Thụy Điển đạt 50.704 lượt khách (tăng 2% so với năm 2018), Phần Lan đạt 21.480 lượt (giảm 5,7% so với năm 2018).
Để tăng cường hợp tác du lịch và thúc đẩy dòng khách hai chiều, TCDL đề xuất với các Đại sứ xem xét thúc đẩy khả năng ký các thỏa thuận hợp tác du lịch với cơ quan du lịch các nước Bắc Âu làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác sâu rộng hơn; phối hợp với TCDL trong công tác xúc tiến quảng bá, tổ chức một số chương trình, hoạt động giới thiệu điểm đến Việt Nam tại 4 nước Bắc Âu; hỗ trợ TCDL lựa chọn, mời một số doanh nghiệp lữ hành và các hãng truyền thông lớn tham gia các đoàn khảo sát sang Việt Nam tìm hiểu và quảng bá về Du lịch Việt Nam; thúc đẩy các nước Bắc Âu tạo điều kiện để các trường đào tạo du lịch hợp tác trao đổi giảng viên, cử giảng viên sang Việt Nam hỗ trợ đào tạo về du lịch; hỗ trợ kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư Bắc Âu quan tâm, đầu tư phát triển du lịch tại Việt Nam…
Trao đổi tại buổi tiếp, các Đại sứ cũng đề xuất TCDL tăng cường hỗ trợ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Âu về ấn phẩm, tài liệu giới thiệu về Du lịch Việt Nam, các kênh quảng bá online, nghiên cứu sản phẩm mới và giải pháp xúc tiến, quảng bá phù hợp với đặc thù của thị trường khách Bắc Âu, ví dụ như hướng tới đối tượng cụ thể là học sinh, sinh viên trong các trường học ở Bắc Âu… Các Đại sứ đồng thời cho biết sẽ nỗ lực hết sức trong nhiệm kỳ của mình để phối hợp tốt với các hoạt động của TCDL nhằm tăng cường hơn nữa việc thu hút khách du lịch các nước Bắc Âu đến Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào tăng trưởng chung của kinh tế đất nước.
Hạ Tinh