|
Bà Nancy Cockerell chuyên gia Tổ chức Du lịch thế giới trình bày trong hội thảo |
Đây là cơ hội tốt để những người làm du lịch chuyên nghiệp của Việt Nam, các diễn giả quốc tế uy tín đến từ các tổ chức du lịch hàng đầu thế giới và khu vực như Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông (MTCO)… trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tìm ra những mô hình, giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong quảng bá, xúc tiến du lịch.
Với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, Chiến lược phát triển du lịch tiểu vùng Mê Kông mở rộng đến năm 2015 đã được xây dựng, trong đó khẳng định các nước GMS khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch, hỗ trợ cộng đồng làm du lịch, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và nhân văn khi khai thác phát triển du lịch và quảng bá xúc tiến điểm đến. Chiến lược này cũng đặt mục tiêu quảng bá Tiểu vùng Mê Kông mở rộng thành một điểm đến chung.
Là một trong 6 quốc gia thuộc GMS, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn, hấp dẫn. Trước bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch cúm A/H1N1, Du lịch Việt Nam không tránh khỏi vòng ảnh hưởng, với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2009 giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo dự báo, kinh tế thế giới có thể phục hồi vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010, vì vậy, ngay từ bây giờ, ngành Du lịch Việt Nam cần đón đầu xu hướng phục hồi, tìm ra những chính sách, giải pháp kích cầu du lịch, xây dựng lộ trình quảng bá, xúc tiến dài hạn, làm tiền để để triển khai kế hoạch xúc tiến du lịch trong từng giai đoạn. Để hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh Du lịch Việt Nam ra khu vực và thế giới đạt hiệu quả, ngành Du lịch cần có sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương và địa phương, sự tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp du lịch.
Trong giai đoạn 2005 – 2010, ngành Du lịch Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hoạt động quảng bá, xúc tiến của ngành Du lịch vẫn gặp không ít khó khăn và hạn chế: Việt Nam chưa có chiến lược, kế hoạch marketing du lịch dẫn đến hoạt động du lịch thiếu cơ sở khoa học, thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí hạn chế, cơ chế giải ngân bất cập, định mức tài chính không hợp lý; cơ cấu tổ chức cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia chưa hợp lý; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; việc phối hợp giữa Tổng cục Du lịch với các Bộ, Ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch còn nhiều bất cập…
Trong thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam cần tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến một cách mạnh mẽ hơn nữa, thông qua việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch marketing Du lịch Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015 với các nội dung cơ bản: xây dựng logo, slogan cho Du lịch Việt Nam giai đoạn mới; phát triển sản phẩm du lịch cả về chiều rộng và chều sâu; coi trọng cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa nhưng hoạt động xúc tiến quốc gia cần tập trung ưu tiên thị trường quốc tế; đưa ra chính sách giá hợp lý để phối hợp hài hòa lợi ích của lữ hành, khách sạn và vận chuyển; tập trung quảng bá, xúc tiến vào một số thị trường trọng điểm, nội dung theo phân đoạn thị trường; nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quảng bá, xúc tiến…
Tại hội thảo Tăng cường hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong quảng bá, xúc tiến du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch đã đưa ra những đề xuất cụ thể về cách thức và cơ chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp trong thời gian tới. Chẳng hạn, trong công tác xây dựng kế hoạch marketing, cần xây dựng mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, thành lập Hội đồng du lịch; trong phát triển sản phẩm du lịch, nhà nước tập trung phát triển theo chiều rộng, các doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu. Đối với việc quản lý giá dịch vụ, nên thực hiện nghiêm túc chính sách niêm yết giá, các doanh nghiệp cần cam kết về giá dịch vụ, không vì quyền lợi trước mắt của doanh nghiệp mà làm ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của Ngành, của đất nước; Tổng cục Du lịch làm đầu mối kết nối các đơn vị để tạo ra các sản phẩm trọn gói, có tính cạnh tranh…
THẢO CHI