Đây là một trong những nỗ lực của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhằm giới thiệu và quảng bá truyền thống lịch sử và văn hóa của phụ nữ Việt Nam với du khách trong và ngoài nước; đặc biệt tiếp tục triển khai Đề án “Tăng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động du lịch” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân, sau hơn 4 năm chỉnh lý hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa trở lại từ tháng 10/2010. Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trở thành một Bảo tàng Giới hiện đại và độc đáo. Với hơn 1000 hiện vật, hình ảnh trưng bày theo 3 chủ đề chính: Phụ nữ trong gia đình; Phụ nữ trong lịch sử; Thời trang nữ thể hiện sinh động các nghi lễ, phong tục hôn nhân, sinh đẻ, tổ chức cuộc sống gia đình, trang phục truyền thống và những câu chuyện về người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ đất nước… Hệ thống thông tin, bài viết chú thích được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, mối quan hệ giữa bảo tàng và du lịch là hết sức gắn bó, hỗ trợ trực tiếp cho nhau. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một điểm đến thực sự hấp dẫn đối với du khách, để thực sự trở thành một điểm đến hàng đầu của du lịch văn hóa trong cả nước, bảo tàng cần tiếp tục đổi mới, trưng bày hiện vật sinh động hơn, cónhững chiến dịch tuyên truyền tích cực hơn để du khách biết tới và phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Theo ý kiến của đại diện các doanh nghiệp lữ hành, để trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong hành trình tour thì bảo tàng cần phải đưa thêm vào không gian trưng bày nhiều hình ảnh, hoạt động sinh động hơn nữa để tạo sức hút và điểm nhấn văn hóa. Mặt khác, ngoài hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Pháp đang sử dụng, đội ngũ thuyết minh viên của bảo tàng cần tăng cường thêm một số ngoại ngữ khác.
Trang Đào