Thời gian gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phát triển du lịch. Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, Du lịch Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong khối các ngành dịch vụ, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều nơi chưa nghiêm, chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế, môi trường du lịch, vệ sinh an toàn chậm được cải thiện, sức cạnh tranh còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Những hạn chế còn do nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt người đứng đầu chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch, cạnh tranh không lành mạnh; vai trò của các hiệp hội du lịch chưa được phát huy.
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 4/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; tạo thuận lợi cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là vấn đề đơn giản hóa thị thực nhập cảnh, kết nối hàng không, đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch, phát huy vai trò của các hiệp hội du lịch; rà soát công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa, bảo đảm trật tự kỷ cương, văn minh lịch sự; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường quản lý giá; bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với du khách; bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kiểm tra đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ được giao; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với công tác quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, có sự tham gia của các hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch; tăng cường quản lý di tích, gắn việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch; đề xuất chính sách tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có mở rộng các quốc gia được đơn phương miễn thị thực.
Bộ Công an đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục cấp thị thực, mở rộng cấp thị thực tại cửa khẩu và sớm triển khai cấp thị thực điện tử.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện lộ trình mở cửa bầu trời trong hợp tác song phương, đa phương về hàng không dân dụng, mở rộng trao đổi thương quyền 5 trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh taxi tại các cảng hàng không; chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam tham gia quảng bá du lịch và các chương trình du lịch.
Các Bộ, ngành liên quan khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ đạo UBND các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch.
Minh Anh