Công tác giáo dục bảo vệ môi trường cho sinh viên chuyên ngành Du lịch Trường Đại học Hạ Long
Trường Đại học Hạ Long được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật & Du lịch Hạ Long với nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp trình độ cao về khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục và xã hội nhân văn; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đồng bằng Bắc Bộ. Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long được thành lập trên nền tảng hai khoa: Quản trị kinh doanh Khách sạn - Nhà hàng và Lữ hành - Hướng dẫn (thuộc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Du lịch Hạ Long trước đây).
Khoa Du lịch được Trường Đại học Hạ Long xác định là ngành đào tạo mũi nhọn, nên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh và khu vực.
Về chất lượng đào tạo, theo đánh giá của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Vin Group, Sun Group, Mường Thanh, Saigontourist, Heritage, Royal Lotus, Novotel…), cơ bản, sinh viên du lịch của Trường Đại học Hạ Long sau khi tốt nghiệp đều có kiến thức, nghiệp vụ và phẩm chất tốt, đáp ứng được yêu cầu cao và tương đối toàn diện của ngành Du lịch. Chính vì vậy, trong 3 năm trở lại đây, trên 95% sinh viên du lịch của nhà trường có việc làm đúng chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp, có thu nhập tương đối tốt, ổn định. Hiện nay, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, du lịch được xác định là ngành mũi nhọn. Nghị quyết số 07-NQ/TƯ, ngày 24/5/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 xác định: “Xây dựng Quảng Ninh thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế…”. Để có được bước phát triển và tạo giá trị riêng như hiện nay, một mặt tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hạ tầng, cải cách hành chính, cơ chế quản lý, thu hút đầu tư…; mặt khác có chính sách đặc biệt cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành Du lịch. Trường Đại học Hạ Long đã được tỉnh đầu tư mạnh nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều lĩnh vực cho tỉnh, trong đó có du lịch.
Với quan điểm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực du lịch có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường du lịch và nhu cầu xã hội, nhà trường luôn có sự đổi mới và lựa chọn các môn học, chương trình đào tạo sao cho phù hợp và thực sự thiết thực với sinh viên. Chính vì vậy, nhà trường đã lồng ghép vấn đề giáo dục về bảo vệ môi trường trong tất cả 4 chuyên ngành đang được đào tạo hiện nay với hai học phần: Môi trường du lịch (giảng dạy các chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị khách sạn) và học phần Bảo vệ môi trường & Vệ sinh an toàn thực phẩm (giảng dạy chuyên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống). Trong thời lượng 30 tiết, sinh viên sẽ có một cái nhìn tổng quan nhất về các vấn đề môi trường trên thế giới và Việt Nam hiện nay, tác động của hoạt động du lịch đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, các quan điểm phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, các loại hình phát triển du lịch bền vững, trách nhiệm của những người làm trong ngành Du lịch (hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng, nhân viên khách sạn).
Với thời lượng 30 tiết học, các giảng viên tập trung giới thiệu một số vấn đề về lý thuyết trong khoảng thời gian 15 tiết, còn lại sẽ cho sinh viên đi nghiên cứu tìm hiểu tình hình thực tế về môi trường du lịch hiện nay như: tìm hiểu các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch gây ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm và đề xuất một số giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm; khảo sát các điểm sinh hoạt gây ô nhiễm cho môi trường; tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như: hàng ngày thu gom rác, dọn vệ sinh phòng học; cho sinh viên tự xây dựng những clip để tuyên truyền, vận động về bảo vệ môi trường du lịch... Sau mỗi hoạt động, giảng viên và các nhóm đều tham gia đánh giá, lựa chọn ra nhóm tốt nhất, có clip, có hoạt động tuyên truyền, giáo dục hiệu quả nhất.
Ngoài ra, nhà trường còn tham khảo tài liệu của Dự án EU, trong đó đã xây dựng Bộ tài liệu đào tạo du lịch trách nhiệm phát triển dựa trên Bộ công cụ du lịch có trách nhiệm bao gồm: 16 bài giảng theo hình thức slide trình chiếu, các giảng viên có thể sử dụng, nhóm các bài lại với nhau xây dựng các bài giảng theo nhiều chủ đề. Đồng thời, Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam phiên bản 2013 gồm 10 lĩnh vực nghề cũng đã nêu cụ thể năng lực du lịch có trách nhiệm mà người quản lý hay nhân viên du lịch cần đạt được. Căn cứ vào các cuốn sách này, Trường Đại học Hạ Long đã triển khai chỉnh sửa mới nội dung chương trình giảng dạy khi đào tạo thực hành nghề nghiệp của các nghiệp vụ: lễ tân, nhà hàng, buồng, chế biến món ăn, hướng dẫn viên, điều hành tour; các giảng viên cũng đã chỉnh sửa chương trình môn học lồng ghép nội dung du lịch có trách nhiệm vào đào tạo.
Sau nhiều năm áp dụng mô hình lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào công tác đào tạo chuyên ngành du lịch, Trường Đại học Hạ Long đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp, phụ huynh và cộng đồng dân cư. Về phía sinh viên, ý thức đã thay đổi rõ rệt, nếu như trước đây các em thường xuyên vứt rác ra phòng học trong trường, xả rác bừa bãi, bẻ cây, vẽ bậy, sờ vào các hiện vật bị cấm và chen lấn xô đẩy nhau để chụp ảnh khi tham gia các chuyến tham quan thực tế… thì hiện nay ý thức của sinh viên đã thay đổi, những việc làm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường lớp học, khi đi du lịch đã hạn chế. Các bạn sinh viên đều tự ý thức được rằng môi trường du lịch xanh - sạch - yên bình sẽ là điều kiện tiên quyết để các em có thể làm du lịch, phát triển du lịch. Các doanh nghiệp cũng phản hồi các sinh viên khi đi thực tập và sinh viên ra trường làm việc tại doanh nghiệp đã có ý thức tốt về bảo vệ cảnh quan, tích kiệm nhiên liệu và có ý thức tuyên truyền cho khách du lịch cùng bảo vệ môi trường...
Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của sinh viên chuyên ngành Du lịch Trường Đại học Hạ Long
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của sinh viên trong nhà trường, đặc biệt là các bạn sinh viên học ngành Du lịch về vấn đề bảo vệ môi trường. Giúp các bạn sinh viên nhận diện được những hành động có tác động và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Từ việc nhận thức tốt về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, các bạn sinh viên sẽ chính là những sứ giả, người tiên phong trong việc tuyên truyền cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là người dân sống trong vùng di sản, di tích về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với cuộc sống hiện tại của họ và đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Quảng Ninh. Cách thức tuyên truyền cần phù hợp với trình độ văn hóa, chuyên ngành học và phong tục tập quán của các bạn sinh viên, tránh tuyên truyền theo phong trào mang nặng tính hình thức khó hiểu, khó thực hiện, trong đó cần phải thay đổi tư duy trong cách ứng xử với môi trường và tài nguyên du lịch.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường. Các hoạt động bảo vệ môi trường với đối tượng tham gia là sinh viên, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành du lịch cần được tổ chức một cách thường xuyên tại các điểm du lịch như: bãi biển, chùa, cảng tàu... hoặc ngay tại giảng đường, sân trường, kí túc xá, sân bóng vào các dịp cuối tuần, nhân ngày môi trường thế giới (5/6), vào các dịp lễ lớn... Cần thành lập một đội ngũ thanh niên tình nguyện nhằm tuyên truyền, kêu gọi sinh viên tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện nay, nhà trường đã có một lực lượng thanh niên tình nguyện đông đảo và hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực: hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi, hỗ trợ các sự kiện của nhà trường. Tuy nhiên, cần phải có một đội ngũ thanh niên tình nguyện chuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ môi trường để có thể thường xuyên tổ chức được các công việc nhằm góp phần bảo vệ, giữ gìn môi trường như: thu gom rác, trồng cây xanh, tuyên truyền trực tiếp cho khách du lịch cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong vấn đề hạn chế rác thải, nước thải...
Thứ ba, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch cũng như các cơ sở kinh doanh du lịch để từ đó có sự liên kết, phối hợp trong việc tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, làm sạch môi trường. Với các chương trình du lịch sinh thái, doanh nghiệp du lịch hay các cơ sở kinh doanh du lịch có thể phối hợp với nhà trường huy động sinh viên chuyên ngành Du lịch cùng tham gia để vừa tuyên truyền, giáo dục ý thức cho chính bản thân sinh viên vừa giúp sinh viên có cơ hội thể hiện vai trò là những đại sứ thân thiện về môi trường, những hướng dẫn viên du lịch, những nhà điều hành du lịch, những nhân viên khách sạn, nhà hàng có trách nhiệm trong tương lai.
Thứ tư, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn cho các giảng viên giảng dạy các học phần liên quan đến môi trường du lịch. Để có thể cập nhật được những vấn đề môi trường mang tính toàn cầu hiện nay và ảnh hưởng của các vấn đề đó tới hoạt động du lịch, cũng như những xu hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái cần chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho các giảng viên giảng dạy các học phần liên quan đến vấn đề môi trường nói chung, môi trường trong du lịch nói riêng, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội học tập và rút kinh nghiệm từ việc bảo vệ môi trường du lịch của các địa phương trong nước cũng như của các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, cần bố trí cho các giảng viên tham quan khảo sát thí điểm một số doanh nghiệp du lịch nhằm tìm hiểu vấn đề áp dụng các hoạt động du lịch có trách nhiệm trong kinh doanh.
Thứ năm, cần tổ chức hội thảo khoa học về việc triển khai các tài liệu của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (ESRT) như Bộ tài liệu đào tạo du lịch có trách nhiệm, Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam 2013, xem xét nội dung chương trình đào tạo 2 bộ môn: Bảo vệ môi trường và Vệ sinh an toàn; Bảo vệ môi trường du lịch cùng các bộ môn đào tạo kỹ năng thực hành nghề du lịch. Từ đó có quyết định lồng ghép nội dung du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường vào chương trình các môn học chuyên ngành…
Thứ sáu, khuyến khích, động viên những tấm gương sáng trong vấn đề bảo vệ môi trường để có động lực cho sinh viên, cũng như nhân rộng hơn trong sinh viên ý thức và hành động cụ thể cho việc bảo vệ môi trường. Nhà trường nói chung cũng như Khoa Du lịch nói riêng cần có những biện pháp động viên, khen thưởng kịp thời cho những tấm gương sinh viên có những hành động, việc làm tích cực, có ý nghĩa đối với môi trường. Đó sẽ là động lực cho sinh viên phát huy thêm đồng thời cũng là tấm gương để các sinh viên khác noi theo học tập…
TS. Vũ Văn Viện
ThS. Bùi Thu Thủy
Tạp chí Du lịch tháng 8/2018