Tại hội nghị, các chuyên gia đã trình bày các tham luận cụ thể về các vấn đề: Tổng quan thực trạng tình hình tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam nói chung và tai nạn giao thông đường bộ đối với du khách và người nước ngoài, Các quy định liên quan tới công tác quản lý hoạt động vận tải du lịch để đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại Việt Nam, Tình hình tai nạn giao thông đối với du khách quốc tế và người nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh, những cảnh báo cần lưu ý khi tham gia giao thông cho người nước ngoài, các biện pháp xử lý khi tai nạn xảy ra, Giới thiệu một số quy định pháp luật về giao thông đường bộ 2008, một số mức xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về hành vi vi phạm của người lái, chủ phương tiện, Một số quy định về giấy phép lái xe quốc tế, Công ước viên về giao thông đường bộ, biển báo…
Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: Trong xu hướng hội nhập nền kinh tế toàn cầu nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam hiện đang nằm trong top điểm đến của Du lịch châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Việt Nam đang nằm trong danh sách các quốc gia có mức độ rủi ro giao thông cao trong khu vực cũng như trên thế giới. Do vậy, việc đảm bảo an toàn giao thông nói chung là rất cần thiết, đặc biệt là cần tìm ra những giải pháp phù hợp đối với đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch quốc tế khi tham gia giao thông ngày càng nhiều tại Việt Nam.
Thượng tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tại thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 4.500 phương tiện do người nước ngoài đăng ký, trong đó ô tô khoảng 3.000 xe và mô tô, xe gắn máy là khoảng 1.500 xe. Tính từ đầu năm đến nay, có hơn 4,3 triệu lượt người nước ngoài đến thành phố Hồ Chí Minh, trong số đó xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, làm 3 người nước ngoài tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ giảm 50%, và số người chết giảm 25%, tuy vậy, thành phố Hồ Chí Minh cần có những giải pháp đồng bộ, có chiều sâu, cũng như quan tâm hơn đối với an toàn giao thông cho người nước ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Việc đảm bảo an toàn cho người nước ngoài khi lưu thông trên đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự tham gia của nhiều bên, ngoài các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, các đơn vị du lịch lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái… Đặc biệt là tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp trong quản lý người nước ngoài du lịch tại Việt Nam, tăng cường tuyên truyền về luật giao thông ngay khi người nước ngoài đến Việt Nam ngay từ sân bay.
Là thành phố lớn phát triển nổi trội về kinh tế - văn hóa – xã hội, thành phố Hồ Chí Minh luôn thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, có sự tham gia hợp lực, phối hợp chặt chẽ của các bên tham gia hoạt động du lịch, cơ quan chuyên trách an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông, cơ quan thông tấn báo chí… Đặc biệt là giải pháp tập trung nâng cao công tác tuyên truyền vận động ý thức tuân thủ luật lệ khi tham gia giao thông.
Từ ngày 1/8 - 31/10/2019, để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho người nước ngoài, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai cao điểm chuyên đề kiểm tra, nhắc nhở và xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông.
|
Thu Hương