Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đã được quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền và trở thành phong trào thường xuyên, liên tục ở hầu hết các địa phương, đơn vị.
Bộ GDĐT đã chỉ đạo các Sở GDĐT và hệ thống các trường học tổ chức nhiều hoạt động thi sáng tác ca khúc về đề tài phòng, chống ma túy; thi văn nghệ với chủ đề phòng, chống tệ nạn ma túy; cắm trại, lồng ghép hoạt động phòng, chống ma túy với các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia…
Để phục vụ công tác giáo dục phòng, chống ma túy, ngành Giáo dục đã biên tập các tài liệu tích hợp vào chương trình giáo dục ở phổ thông và trong các trường đào tạo. Trong 3 năm qua (2012 - 2015), Ngành đã biên soạn, nhân bản 37.000 cuốn sách, 80.000 tờ rơi, 8.400 bản phim hướng dẫn công tác giáo dục phòng, chống ma túy và cấp phát đến các cơ sở giáo dục để tham khảo, vận dụng theo chương trình hàng năm của Bộ; thực hiện việc bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cốt cán tại 11 Sở GDĐT thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy cho hơn 2500 cán bộ, giáo viên. Từ những cán bộ, giáo viên cốt cán này, nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy sẽ được triển khai đến các cán bộ, giáo viên trong hệ thống các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, 10 câu lạc bộ tuổi trẻ phòng chống ma túy tại 5 tỉnh vùng Tây Bắc, 8 câu lạc bộ tại các tỉnh Bắc miền Trung và 4 câu lạc bộ tại Hà Nội và Hải Phòng đã được thành lập. Các câu lạc bộ được thành lập bước đầu đã hoạt động hiệu quả, không những là hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền phòng, chống ma túy trong nhà trường mà còn tham gia tuyên truyền trong cộng đồng dân cư nơi trường đóng.
Hàng năm, công tác phòng, chống ma túy được đưa vào tiêu chí đánh giá, khen thưởng đối với các Sở GDĐT, các trường đào tạo. Nội dung công tác phòng, chống ma túy được cụ thể hóa thành các tiêu chí để các sở, trường tự kiểm tra, kiểm tra chéo và đề xuất giải pháp, đề nghị khen thưởng định kỳ. Đặc biệt, Bộ GDĐT chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra ở một số khu vực; tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015 trong trường học đối với khu vực Tây Bắc và khu vực Bắc miền Trung; qua đó số lượng học sinh, sinh viên vi phạm tệ nạn ma túy giảm nhiều.
Tuy nhiên, tình hình tệ nạn ma túy vẫn đang diễn biến phức tạp, luôn có xu hướng tăng về mức độ và số lượng vụ vi phạm. Theo Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GDĐT kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy trường học trong những năm qua là rất quan trọng nhưng chưa thực sự mang tính bền vững bởi hiện nay vẫn còn rất nhiều những yếu tố nguy cơ tệ nạn ma túy tấn công vào trường học, là những nguyên nhân khách quan gây khó khăn trực tiếp đến công tác phòng, chống ma túy của các nhà trường. Ở một số nhà trường, việc quản lý, tổ chức phòng, chống ma túy trong trường học chưa được đầu tư chiều sâu. Bộ máy kiêm nhiệm chưa đủ mạnh để duy trì cập nhật, xử lý các nguồn thông tin trong học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên liên quan đến ma túy. Chưa phát huy tốt vai trò chủ động của học sinh, sinh viên tham gia phòng, chống ma túy trong trường học và cộng đồng...
Trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục, nhà trường cần xác định đúng đắn nhận thức về công tác phòng, chống ma túy trong nhà trường có tác dụng không chỉ ngăn chặn tệ nạn ma túy mà đây chính là công tác giáo dục văn hóa, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống, góp phần giáo dục khả năng tự bảo vệ và xây dựng phẩm chất, nhân cách của học sinh, sinh viên. Do vậy, công tác phòng, chống ma túy trong trường học phải luôn được gắn kết chặt chẽ với công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức để công tác giáo dục, tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất; đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên, phòng, chống tệ nạn ma túy.
TH