Theo GS. Jon Currie, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y học về nghiện và sự biến đổi hệ thần kinh, bệnh viện Thánh Vincent – Melbourne - Australia cho biết: lạm dụng ma túy và nghiện là các vấn đề xã hội, cần giải quyết bằng các giải pháp mang tính xã hội, đặc biệt là hệ thống pháp luật hình sự. Người nghiện ma túy là những người yếu ớt, người xấu, không tự rèn luyện đạo đức hoặc không làm chủ được các hành vi của bản thân.
Người sử dụng ma túy vì họ thích những gì ma túy gây ra cho bộ não của mình, dù chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua. Não bộ thể hiện những thay đổi một cách rõ ràng sau sử dụng ma túy và những thay đổi này vẫn còn tồn tại rất lâu sau khi đã ngừng sử dụng ma túy. Nghiện ma túy là một bệnh mãn tính và tái phát.
Điều trị nghiện ma túy nên có 3 trụ cột quan trọng là não, hành vi và bối cảnh xã hội. Trong đó, phải tính đến các yếu tố gia đình, dịch vụ hướng nghiệp, tài chính, dịch vụ y tế, giáo dục, phòng chống HIV/AIDS, tư vấn pháp luật, nhà ở, đi lại…
Hiện nay, trên thế giới liệu pháp điều trị cai nghiện hiệu quả và hiện đại hơn cả là dùng thuốc Methadone thay thế - hiện đã được triển khai tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Methadone tồn tại trong não lâu hơn heroin rất nhiều, mỗi ngày chỉ cần uống 1 liều là người nghiện có thể lao động học tập bình thường. Methadone không có tính dung nạp cao như heroin nên có thể không gây tăng liều và được kiểm soát chặt chẽ tại cơ sở điều trị.
Liệu pháp dùng Methadone đã cho những hiệu quả bước đầu ở nước ta. Để liệu pháp dùng Methadone hiệu quả, cần đến ý thức nghiêm túc hợp tác của người bệnh và gia đình.
Chúng ta không đồng tình với những hành vi buôn bán trái phép, quấy rối trật tự xã hội liên quan đến ma túy, nhưng nếu chúng ta quay lưng với những người muốn cai nghiện, thì chẳng giúp được xóa đi vấn nạn ma túy, mà còn đẩy họ vào thế cô lập. Trên thực tế, người nghiện ma túy rất cần được giúp đỡ trong quá trình điều trị. Hơn ai hết, họ chính là những người cảm nhận rõ nhất những hậu quả mà ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần là nơi có kinh nghiệm điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone cho gần 70 bệnh nhân cho biết: hiếm có nước nào trên thế giới mà các đoàn thể như hội cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố, dòng họ… lại có thể tác động, tham gia tuyên truyền vận động, giúp đỡ người cai nghiện ma túy như ở Việt Nam.
Ở các địa phương làm tốt công tác này, người bệnh đỡ mặc cảm hơn, tuân thủ điều trị tốt hơn, dẫn đến hiệu quả điều trị cao, ít phá phách, quấy rối ngoài xã hội, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, yếu tố rất quan trọng dẫn đến thành công là giáo dục gia đình. Những bệnh nhân có gia đình quan tâm, phối hợp chặt chẽ với bác sỹ thì kết quả điều trị tốt hơn rất nhiều. Gia đình cần hiểu sâu sắc đặc điểm của điều trị cai nghiện ma túy, không ảo tưởng ở thứ "thần dược" hay liệu pháp mạnh nào chữa khỏi được tình trạng nghiện.
Nếu gia đình quản lý được bệnh nhân theo quy trình chỉ sinh hoạt ở nhà, ở nơi vui chơi lành mạnh, rồi đến bệnh viện uống Methadone, không gặp gỡ, tụ tập với bạn xấu, có niềm vui, có việc làm… thì đã loại trừ được nhiều nguy cơ bệnh nhân tái sử dụng ma túy bất hợp pháp.
Động viên, gần gũi, chia sẻ với người bệnh trong quá trình điều trị là vô cùng cần thiết. Điều trị cai nghiện ma túy cho hiệu quả tốt hơn ở người có nhân cách mạnh, so với người có nhân cách yếu, mà nhân cách của một người phụ thuộc khá lớn vào môi trường sống xung quanh.
Do những đặc điểm riêng về văn hóa - xã hội của Việt Nam, đôi khi bác sỹ không thể áp dụng kỷ luật "thép" với bệnh nhân. Do đó, sự phối hợp của giáo dục gia đình, cộng đồng càng trở nên cần thiết hơn nữa.
TH