Du lịch cần có những bước nhảy vọt
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, TP HCM, nông nghiệp và du lịch là hai lĩnh vực tiềm năng để đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Với lợi thế, đặc điểm kinh tế, xã hội, vị trí địa lý... của Việt Nam đã tạo ra hai lợi thế lớn là nông nghiệp và du lịch - nền công nghiệp không khói. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc đầu tư cho các lĩnh vực này còn khiêm tốn.
“Do vậy cần luật hóa chính sách hỗ trợ. Luật sửa đổi lần này hay tái cơ cấu kinh tế cần tập trung vốn cho đầu tư lĩnh vực này bởi còn quá nhiều tiềm năng, lợi thế. Tôi vẫn kỳ vọng Luật sửa đổi lần này thực sự góp phần thay đổi mạnh mẽ kinh tế du lịch”- ông Ngân nói.
Đánh giá cao những thay đổi về bộ mặt du lịch thời gian qua đã có bước chuyển, nhưng ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, cần phải có bước nhảy vọt. Bởi các nước trên thế giới đã và đang có rất nhiều chính sách thu hút khách du lịch nên Việt Nam phải có bước đột phá.
“Việc sửa đổi Luật Du lịch lần này cùng với việc nhìn về lợi thế quốc gia cùng với việc bảo tồn, phát triển văn hóa, bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới... tất cả tạo thành hệ thống và chúng ta cần tổ chức du lịch bài bản chuyên nghiệp”- ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Và một trong những nội dung đột phá, vị Đại biểu này cho rằng, cần phải hỗ trợ đào tạo lao động.
Lấy ví dụ từ thực tế hiện nay 62% dân số sống ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm 44%, khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì dân số nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
“Trong khi du lịch xanh, lượng lao động nằm nhiều ở miệt vườn, vùng nông thôn. Do vậy đòi hỏi người nông dân phải chuyển sang lĩnh vực phục vụ du lịch nên phải hỗ trợ đào tạo họ chuyển dịch cơ cấu lao động”- ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo đó, cách người nông dân nghĩ đơn giản, mộc mạc: làm bánh là được. Nhưng làm bánh cho khách du lịch ăn thì cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cần truyền tải cách làm bánh sao cho hấp dẫn, cho du khách hiểu...
“Khi chuyển dịch lao động thì nó có tác động cho cả hai ngành tiềm năng của Việt Nam đó là nông nghiệp và du lịch” – ông Ngân phân tích.
Phải chuyển biến nhận thức người dân, coi đây là ngành mũi nhọn
Cùng quan điểm với Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi, chia sẻ, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lĩnh vực đáng lưu tâm và quan trọng nhất hiện nay là nông nghiệp và du lịch. Và trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay cần đầu tư cho ngành du lịch, từ đó tạo ra ngân sách cho nền kinh tế đất nước.
“Tôi cho rằng, đây là ngành du lịch không khói, lại được thiên nhiên ưu ái nên phát triển du lịch sẽ có lợi hơn rất nhiều so với nhiều lĩnh vực khác”, ông Lợi nói.
Dù vậy, vì đại biểu đoàn Thanh Hoá cũng cho rằng, do hạ tầng cơ sở và đầu tư cho du lịch lâu nay chưa có nguồn độc lập nên phát triển cũng chưa thực sự tốt.
“Văn hoá về du lịch hiện vẫn còn nhiều vấn đề. Phải làm sao chuyển biến nhận thức của người dân, coi đây là ngành mũi nhọn. Làm thế nào để khách du lịch có gắn bó, có cảm tình và muốn quay trở lại”, ông Lợi nói.
Theo đại biểu này, trong dự thảo Luật Du lịch đã quy định rõ điều liên quan đến đầu tư, các điều liên quan đến xây dựng con người, hình ảnh du lịch, xây dựng các điều kiện tiêu chuẩn của hướng dẫn viên du lịch... đó là những điều kiện tạo cho du lịch phát triển.
Tuy vậy, phải có cơ chế để thu hút hướng dẫn viên du lịch, tạo cho đội ngũ hướng dẫn viên cơ hội để nâng cao năng lực hiểu biết...
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc cho rằng, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi có nhiều tiến bộ, tạo động lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một ngành công nghiệp không khói.
“Đây là nguồn tiềm năng lớn để tạo nguồn lực phát triển đất nước, nên chúng ta cần tập trung đầu tư. Kinh doanh du lịch sẽ thu được lợi nhuận rất cao nếu chúng ta biết phát huy. Bởi ngoài phát triển kinh tế, chúng ta còn thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Ngoài ra, du lịch còn có sức lan toả lớn vì tạo công ăn việc làm cho người dân. Du lịch địa điểm nào phát triển là người dân nơi đó có thu nhập cao, cải thiện được cuộc sống”, Đại biểu Phớc nói.
Đóng góp cho dự thảo luật này, theo Đại biểu Hồ Đức Phớc, cần phải bổ sung về vấn đề đô thị du lịch để quản lý tiềm năng du lịch đối với những vùng đô thị có tiềm năng. Từ đó có cơ sở phát triển các đô thị đó, tạo động lực hệ thống khung xương cho ngành du lịch phát triển. Ví dụ như các đô thị du lịch: Huế, Sầm Sơn, Vũng Tàu, Hạ Long, Đà Lạt...
Ngoài ra, về xếp hạng sao tại các khách sạn mà thời gian qua Bộ VHTTDL đang thực hiện quyết liệt, Đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng, cần phải siết chặt quản lý nhà nước hơn nữa đối với vấn đề này, bởi số lượng sao thể hiện đẳng cấp, chất lượng của dịch vụ. Những khách sạn 5 sao nhưng qua một thời gian nếu không đảm bảo được điều kiện thì ngành du lịch phải rút sao xuống để thể hiện chất lượng du lịch đúng với số sao.
Nguồn: toquoc.vn