(Tạp chí Du lịch) - Nhiều quốc gia hoặc một phần lãnh thổ đã áp dụng lệnh cấm hoặc tính phí đối với việc sử dụng và cung cấp túi nylon như: Anh, Mexico, Australia, Trung Quốc, Brazil, Bangladesh, Pháp, Bỉ…
Năm 2017, Tòa án tối cao của Kenya đã chính thức hiệu lực hóa lệnh cấm túi nylon, được cho là mạnh nhất trên thế giới. Hiện nay ở Kenya, nếu sử dụng túi nylon người dân có thể bị đi tù, nộp phạt tới 40.000USD hoặc cả hai hình thức phạt này.
Còn ở Ấn Độ, lệnh cấm buộc tất cả các tập đoàn và cơ quan công quyền phải có biện pháp giảm sử dụng túi nylon từ tháng 7/2014. Thực tế 8 năm trước, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm sử dụng, lưu trữ và bán túi nylon tại Delhi, nếu vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tiền lên tới 366USD và phạt tù nếu tái phạm; mức phạt có thể lên tới 5 năm tù giam đối với người bị phát hiện mang theo túi nylon ở thủ đô. Ngoài ra, những khách hàng, chủ cửa hàng sử dụng túi nylon đều có thể bị phạt tới 100.000 rupee (khoảng 1.498USD) hoặc chịu một án tù.
Chính phủ Nam Phi cũng cấm dùng túi nylon siêu mỏng từ tháng 5/2003. Những nhà bán lẻ phát loại túi này cho khách hàng có thể bị phạt 100.000 rand hoặc 10 năm tù giam.
Tại Canada, một số vùng cấm dùng túi nylon và yêu cầu thay thế bằng túi vải hoặc túi giấy, nếu vi phạm sẽ bị phạt 1.000 đô la Canada.
Từ năm 2003, các nhà chức trách tại Đan Mạch đã đưa ra một loại thuế mới đánh vào các nhà bán lẻ sử dụng túi nylon. Điều đó đã hạn chế tới 66% túi nylon được sử dụng trong việc mua bán tại đây.
Còn ở Ireland, người tiêu dùng phải chi trả thêm 0,15 euro/túi nylon nếu dùng sản phẩm này vào năm 2002. Mức tiền tăng đến 0,22 euro/túi nylon trong năm 2007. Số tiền phí trên sẽ được chuyển vào quỹ môi trường của Ireland.
Các túi nhựa có thể mất hàng trăm hoặc hàng nghìn năm để phân hủy và có thể giết chết một loạt các sinh vật biển nếu thải ra tại các khu vực gần sông và bờ biển. Chúng có thể làm tắc nghẽn cống rãnh và các ống xả thải, góp phần làm tình trạng ngập lụt trở nên trầm trọng hơn, cũng như lây lan bệnh tật và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
|
PV