Du lịch một mình trên thế giới – một vài con số liên quan đến Việt Nam
Các số liệu thống kê trong vòng hai năm trở lại đây cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ và phổ biến của xu hướng du lịch một mình. Xu hướng này không đơn thuần là sự thay đổi trong nhu cầu và hành vi của khách du lịch, mà còn ảnh hưởng đến cách thức vận hành của thị trường du lịch trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Theo khảo sát về thói quen nghỉ lễ hàng năm mới nhất của Abta, 11,1% khách du lịch của họ cho biết đã tự thực hiện kì nghỉ lễ trong 12 tháng qua - gấp đôi so với 6 năm trước. Tương tự, Airbnb cho biết họ đã nhìn thấy được sự gia tăng số lượng khách đặt phòng đơn và thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm đến yêu thích có sự gia tăng nhanh chóng số lượng khách đi du lịch một mình.
Theo Klook (Hồng Kông), số lượng khách du lịch một mình đã tăng từ 31% (năm 2017) lên 38% (năm 2018) ở châu Âu và châu Á. Báo cáo Solo Traveller 2018 của Mintel & Just You chỉ ra rằng, du lịch một mình là xu hướng năng động, mang đến cơ hội trải nghiệm độc đáo cho cộng đồng người đi du lịch.
Vào cuối năm 2018, Agoda đã giới thiệu báo cáo “Solo Travel Trends 2018” cung cấp thông tin thú vị về đối tượng khách du lịch một mình. Trong đó, thư giãn và nghỉ xả hơi là động lực số một cho hoạt động du lịch một mình trên toàn cầu (61%), tiếp theo là tránh xa thói quen thường ngày (52%) và khám phá các nền văn hóa mới (45%).
Năm 2017, Việt Nam được Airbnb nhắc đến như một điểm đến tiềm năng cho du khách một mình, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2018 đã nằm trong top 10 điểm đến du lịch hàng đầu cho khách du lịch một mình ở châu Á (theo dữ liệu đặt phòng từ Agoda).
Kkday - nền tảng du lịch thương mại điện tử kết nối khách du lịch với các hoạt động và tour du lịch địa phương có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, du khách Việt Nam đi du lịch một mình chiếm 30% năm 2019. Họ là những người trong độ tuổi từ 20 đến 40, chủ yếu là nhân viên văn phòng. 67% phụ nữ chọn đi du lịch một mình qua các kênh thông tin trực tuyến từ KOLs, blogger du lịch và dịch vụ thương mại điện tử thay vì đại lý du lịch.
Và tại Việt Nam
Theo kết quả điều tra xã hội học 1.047 người Việt Nam do Outbox Consulting và Traveloka Việt Nam phối hợp thực hiện, có 47% cho biết họ đã tham gia hơn 4 chuyến đi trong năm qua, thay vì tham gia một tour theo nhóm, 19,8% người Việt lựa chọn đi du lịch một mình. 43% số người cho biết họ đã và sẽ tiếp tục tham gia du lịch một mình, 33% cho biết họ có dự định đi một mình trong năm tới.
Điểm đến ưa chuộng của người Việt khi đi du lịch một mình
So với điểm đến quốc tế, các điểm đến trong nước là lựa chọn phổ biến hơn của người Việt khi đi du lịch một mình (chiếm lần lượt 28,4% và 43,3%). Nhưng đối với 28,3% người tham gia khảo sát còn lại thì kinh nghiệm địa phương và tính độc đáo của một địa điểm là ưu tiên hàng đầu của họ khi chọn lựa điểm đến dù là trong hay ngoài nước. Các rào cản phổ biến như ngoại ngữ và thị thực, nhận thức về những rủi ro (an toàn và an ninh) ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định của người Việt khi lựa chọn điểm đến nước ngoài cho chuyến đi du lịch một mình. 51,5% cho rằng sẽ rất khó tham gia các hoạt động giải trí và trải nghiệm tại điểm đến, 45,2% cho rằng du lịch một mình không an toàn. Ngoài ra, yếu tố chi phí cũng được người Việt Nam quan tâm khi đi du lịch một mình vì 53,5% số người được hỏi cho biết họ không muốn chia sẻ phòng, tàu, bữa ăn với người khác.
Động lực đi du lịch một mình của người Việt Nam được phỏng vấn được thể hiện qua biểu đồ.
Du lịch một mình đối với người Việt là khá ngẫu hứng, (29%) những người được phỏng vấn chỉ cần 1 tuần để lên kế hoạch hoặc lâu hơn trong 2 đến 4 tuần chiếm (37%).
Người Việt Nam đi du lịch một mình phần lớn là thế hệ trẻ (Millennials - từ 21 đến 34 tuổi), điều đáng bất ngờ là tỷ lệ có giới tính nữ áp đảo nam giới với tỷ lệ 60,4% - 33,8% , có trìnhđộ học vấn cao và có thu nhập ổn định. 52,3% số người tốt nghiệp đại học và làm việc toàn thời gian, nghề nghiệp chính của họ là nhân viên văn phòng. 15,5% tốt nghiệp đại học và làm việc tự do. 13,1% còn lại là kinh doanh tự do và 10% là sinh viên.
Qua những con số trên, có thể kết luận rằng việc nhận biết được xu hướng và đặc biệt là hiểu được thị trường khách du lịch một mình là rất quan trọng. Mặc dù có rất nhiều cá nhân lựa chọn tự thực hiện tất cả mọi thứ cho chuyến đi của mình, nhưng không ít người đi du lịch một mình tìm đến các công ty du lịch cho những sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Mục tiêu cuối cùng của nhóm khách này là trải nghiệm, kết nối và giảm thiểu tối đa những yếu tố bên ngoài có thể tác động đến tính “độc lập”, sự “tự do” của chuyến đi. Nhận thấy sự tăng trưởng của xu hướng này, nhiều doanh nghiệp du lịch quốc tế đã nhanh chóng phát triển mở rộng thêm các tour dành riêng cho khách du lịch một mình bên cạnh việc cung cấp tour truyền thống; một số hãng hàng không xây dựng chương trình ưu đãi tiết kiệm tối đa các trải nghiệm lưu trú, ăn uống, hàng không cho người du lịch một mình.
Một số vấn đề đặt ra
Với chỉ số hạnh phúc đứng thứ 94 (hơn Bhutan 1 bậc, do Liên Hợp quốc công bố 2019) trong 156 quốc gia trên thế giới và đặc biệt tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, sự ổn định về an ninh, chính trị, là điểm đến an toàn - thân thiện trong mắt du khách, ẩm thực tuyệt vời, giá cả hầu hết các dịch vụ khá “mềm” so với mặt bằng thế giới, Việt Nam sở hữu nhiều thuận lợi trong việc tối ưu các sản phẩm dịch vụ theo hướng “cá nhân hóa” và “địa phương hóa” nhu cầu trải nghiệm của du khách, một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của làn sóng thị trường du lịch một mình. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối ưu thị trường này, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp quốc tế đã và đang đầu tư trực tiếp khai thác, mở chi nhánh/văn phòng tại Việt Nam.
Thứ nhất, sự “chuyển mình” và nâng cao khả năng “thấu hiểu” khách hàng để từ đó linh hoạt đưa ra được các sản phẩm đặc sắc phù hợp với từng thị trường khách du lịch một mình của các đối tượng, cơ quan liên quan vốn đã quen với việc sử dụng những gì vốn có, mang tính chất truyền thống mà ít, thậm chí thụ động trong việc cập nhật thay đổi tuyệt đối không đơn giản. Ví dụ như các đại lý du lịch “đường phố” hay các công ty lữ hành phải đương đầu với nguy cơ suy giảm nếu không bắt kịp với xu hướng du lịch một mình…
Thứ hai, việc kết nối và quản lý thương hiệu Du lịch Việt Nam trên các nền tảng trực tuyến tương tác với khách du lịch một mình, những người được đánh giá là rất xem trọng các thông tin phản hồi trực tiếp trong việc lựa chọn đơn vị cung ứng chưa thực sự nhuần nhuyễn, khả năng quản trị, xử lý rủi ro nhất là hiệu ứng tiêu cực với tốc độ lan rộng nhanh chóng mà các trang mạng xã hội mang lại liệu đã thực sự nhanh nhạy?
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, công nghệ thực tế ảo, tìm kiếm bằng giọng nói trong phát triển du lịch, đa dạng, tối ưu hóa các hình thức chỉ dẫn, giới thiệu, thuyết minh, phủ sóng wifi miễn phí tại điểm du lịch, đặc biệt là tạo cảm giác an toàn, thuận tiện trong thanh toán online, giao dịch quốc tế (QR code…) đã đủ đáp ứng cho đối tượng khách du lịch một mình với đặc tính di chuyển nhiều, hành lý gọn nhẹ?
Thứ tư, ngành Du lịch Việt Nam đã thực sự quan tâm đến xu hướng này và chung tay với doanh nghiệp du lịch, cộng đồng để nghiên cứu, đánh giá tác động từ đó đưa ra các ý tưởng, định hướng, giải pháp khai thác, phát triển phân khúc thị trường đặc thù này góp phần phát triển du lịch theo chiều sâu, bền vững?
Với hình thức du lịch một mình, du khách sẽ thực hiện chuyến du lịch đi một mình đến những nơi khác nhau, tự ra quyết định về chuyến đi, tự lựa chọn các dịch vụ cũng như hoạt động tại điểm đến hướng đến các trải nghiệm, tận hưởng của cá nhân.
|
Tài liệu tham khảo:
1. Tạp chí Du Lịch TP.HCM, 26/07/2019
2. Solo Travel: Rising Trend Among Vietnamese Travelers, 2019, OUTBOX CONSULTING
3. A ‘JOURNEY OF HER OWN’?: THE IMPACT OF CONSTRAINTS ON WOMEN’S SOLO TRAVEL, 2004, Erica Christine Wilson, B. Admin (Tourism) (Hons), James Cook, Grad Dip (Env Studs), Adel
Jinnee