Sóc Trăng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”
Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Lễ kỷ niệm có chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, tỉnh Sóc Trăng; các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng đại diện Đại sứ quán Thái Lan, Tổng Lãnh sự quán các nước: Ấn Độ, Singapore, Indonesia và Anh.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 8 đã quyết định phân loại địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, tỉnh Hậu Giang được chia thành tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Đến tháng 4/1992, tỉnh Sóc Trăng chính thức được tái lập. Sau 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả nhất định trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ôn lại truyền thống yêu nước hào hùng của các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng, phát triển, cổ vũ động viên toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng tiếp tục, phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng phát triển giàu đẹp.
Trong diễn văn kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, đã nhấn mạnh những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực mà tỉnh Sóc Trăng đạt được trong 30 năm qua; khẳng định quyết tâm phát triển mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, thời điểm mới hình thành, Sóc Trăng có nền kinh tế thuần nông với quy mô nhỏ, đất đai hầu hết bị nhiễm phèn, mặn; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vượt qua những khó khăn, thách thức, 30 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt lên chính mình để biến thách thức thành cơ hội; vươn lên đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, trong quý I năm 2022, kinh tế toàn tỉnh đang dần phục hồi. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục được duy trì và phát triển. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch có bước phát triển vượt trội với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ du lịch, tiêu dùng xã hội là 15.000 tỷ đồng, đạt 25% chỉ tiêu Nghị quyết. Đặc biệt, giá trị hàng hóa xuất khẩu trong quý I ước đạt 330 triệu USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ. Ước tính quý I/2022 Sóc Trăng có tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.069.091 tỷ đồng, bằng 25,97% so với dự toán năm 2022. Để có những con số trên, trong những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án điện gió. Hiện Sóc Trăng đã cấp chủ trương đầu tư cho 18 dự án điện gió với tổng công suất 1.345,2 MW. Trong đó, đã có 11 dự án khởi công, thi công. Từ cuối năm 2021, 4 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại, với tổng công suất đạt 110,8 MW.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích đạt được qua 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tiềm năng phát triển của Sóc Trăng rất lớn. Do đó, Sóc Trăng cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để bứt phá, phát triển nhanh, bền vững với tinh thần dựa vào nội lực là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để phát huy được những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng đề nghị, thời gian tới tỉnh Sóc Trăng cần chú trọng thực hiện 6 nhiệm vụ. Trong đó nhấn mạnh tới việc lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, tăng năng suất lao động; khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển để bứt phá phát triển. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, kết nối vùng, hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, nhất là hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng... đồng bộ, hợp lý, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu triển khai các công trình, dự án trọng điểm, trong đó có cảng biển Trần Đề, đường cao tốc kết nối vùng với Cần Thơ. Rà soát, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, dàn trải, chậm tiến độ, dồn nguồn lực tập trung cho các dự án lớn, có tác động lan tỏa, tạo ra động lực và không gian phát triển mới.
Đặc biệt, cần chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, nông nghiệp sản xuất lớn, xây dựng thương hiệu, chế biến sâu, đồng đều, vươn ra thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm riêng có của Sóc Trăng..., khai thác tối đa thế mạnh về nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, sản xuất lúa chất lượng cao. Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng cường hợp tác công tư để phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, đầu tư năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics... Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn, với khát vọng và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sóc Trăng sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Sóc Trăng bứt phá đi lên trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long - miền Tây Nam Bộ.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có công lao to lớn, nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông Phan Văn Sáu - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì; Sóc Trăng chính thức đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Sóc Trăng là đô thị loại 2.
Cũng tại lễ kỷ niệm, ngoài chương trình văn nghệ đặc sắc của các dân tộc Kinh, Hoa và Khmer biểu diễn chào mừng, các đại biểu còn được thưởng lãm và xem các phóng sự: “Sóc Trăng - Vùng đất đậm nét di sản văn hóa dân tộc”; “Trần Đề vùng đất tiềm năng - giới thiệu về Trần Đề, với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế biển”; và phóng sự “TP.Sóc Trăng phát triển hiện đại song hành cùng bản sắc văn hóa dân tộc”.
Đặc biệt, chương trình cũng đưa người xem thưởng ngoạn những điểm nhấn về văn hóa, di sản của Sóc Trăng thông qua các phim tài liệu như: “Lễ hội đua ghe ngo” của đồng bào Khmer vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 8 của tỉnh Sóc Trăng; điệu hát múa rom vong, làng nghề bánh pía Sóc Trăng…
|
Trần Lợi