Hội nghị tập trung đánh giá những việc đã làm được và những việc còn hạn chế, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể, khả thi để đẩy mạnh công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm từ nay đến cuối năm 2014.
Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy hiện vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 10.256 vụ, bắt 15.298 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 133 vụ và 176 đối tượng so với cùng kỳ 2013), thu giữ 478,7kg heroin, 14,1kg thuốc phiện, 112,7kg cần sa khô, 796,4kg cần sa tươi, 127,5kg và 197.097 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật khác.
Đến nay, cả nước có 182.799 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 1.403 người, tương đương 0,8% so với năm 2013), 45 địa phương có số người nghiện tăng, 18 địa phương có số người nghiện giảm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm đạt được những kết quả rất tích cực nhưng trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, bị cắt giảm, nếu các bộ, ngành, địa phương “chùng xuống” thì mất thêm rất nhiều công sức, chi phí, thời gian mới duy trì được những thành quả đã có; đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với các chương trình, phóng sự nhằm nâng cao nhận thức người dân; tăng cường giáo dục, lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm vào các buổi sinh hoạt tập thể, giao lưu văn hóa trong các trường phổ thông, nhất là đối với học sinh lứa tuổi vị thành niên; giao Bộ Công an phối hợp với các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh rà soát, thống kê chính xác số người nghiện trong cả nước để có biện pháp giải quyết. Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét các loại thuốc mới trong cai nghiện đã được cơ quan có chức năng, chính quyền địa phương xác nhận, có tính khoa học để thí điểm sử dụng tại các địa phương (bên cạnh thuốc Methadone) đến năm 2015 có 80.000 người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc Methadone ; các địa phương chủ động đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực; Bộ Y tế đảm bảo đủ thuốc; các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng ban hành khung pháp lý, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong xã hội hóa công tác điều trị Methadone; các địa phương khẩn trương xây dựng các phương án bảo đảm cân đối tài chính trong bối cảnh ngân sách và nguồn tài trợ ODA ngày càng giảm; nghiên cứu, thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020, dần chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện theo lộ trình phù hợp, hướng đến mục tiêu tổ chức cai nghiện tốt, giữ trật tự, ổn định tại địa phương; các Bộ, ngành (nhất là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế) phối hợp, sớm ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn các địa phương theo nội dung Đề án; các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện Dự án "Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy".
PV