Từ bao đời nay, dân ca Cao Lan đã được lưu truyền trong cộng đồng dân tộc. Từ người già đến con trẻ, ai ai cũng đều mê say bởi nó không chỉ bao gồm các bài hát giao duyên của trai gái mà còn có nhiều bài hát ca ngợi sản xuất, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đền ơn cha mẹ, hát đố, hát ghẹo… Đặc biệt, người ta hát dân ca Cao Lan nhiều nhất vào những ngày cưới hỏi, hát chúc rượu bạn thân hoặc khi có khách quý đến thăm nhà; chỉ hát bằng chất giọng đơn hoặc nhóm, không được đệm kèm nhạc. Ngôn ngữ của sình ca được thể hiện theo suy nghĩ ở từng lứa tuổi. Đối với người già, họ hát để biểu lộ tình bạn, tài năng, trí nhớ hoặc than về nỗi gian truân của mỗi người. Đối với nam thanh nữ tú, sình ca thể hiện ước vọng tình cảm lứa đôi, biểu lộ suy nghĩ của cá nhân về cuộc sống hiện tại và mơ ước mai sau. Nếu người lớn tuổi chỉ hát sình ca những lúc thôn làng tổ chức hội vui mùa màng, hoặc có khách quý thăm nhà, thì giới trẻ lại hát vào những ngày cưới hỏi của bạn, hoặc ngày vui xuân tết. Đám trẻ thường hát theo từng nhóm bạn. Họ hát đối sình ca cốt để tìm bạn khác giới, nếu hát đối hợp nhau, tình cảm càng khăng khít sẽ nhanh nên duyên vợ chồng.
Trong ngày tết (Tết Nguyên đán của người Cao Lan kéo dài từ 27, 28 tháng chạp đến rằm tháng giêng âm lịch), người ta mặc những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, mới nhất. Trên các nẻo đường, ngõ xóm, những màu áo chàm thẫm với chiếc thắt lưng hoa đào, hoa lý như khoe sắc trong gió xuân. Và cũng từ ngày mùng 2 tết trở đi, người Cao Lan ở các làng bản lại cùng nhau hát sình ca. Các gia đình đều có bạn hát đến nhà chơi, họ chúc nhau sang năm mới gặp những điều hạnh phúc, tốt lành. Cuộc hát tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, từ gia đình nọ sang gia đình kia.
Bởi bố cục của các bài sình ca chỉ theo vần điệu, còn hát đối từ như thế nào, sẽ phải phụ thuộc vào người đang hát đối, chính vì thế sẽ thiên biến theo tư duy nhạy bén của người hát. Hát đối phải làm sao không sai chủ đề, đúng với sự mong mỏi của người cùng hát đối với mình, thì mới hát được dài và người hát mới thể hiện được tài năng ứng xử của mình trước mọi người. Người thắng cuộc trong sình ca chính là người có nhiều lý lẽ trong suốt quá trình hát đối với bạn mình, dùng cách ứng phó với lời hay, bay bổng, khiến “đối phương” phải thua một cách tâm phục khẩu phục, đó là đặc điểm nổi bật nhất của sình ca.
Tiếc rằng, cho đến nay di sản văn hóa phong phú này đang bị mai một đi rất nhiều bởi lẽ phần lớn những bài hát của đồng bào đều bằng chữ Hán Nôm mà chưa được dịch ra tiếng phổ thông hay tiếng dân tộc. Trong thực tế, những người đọc được loại chữ này còn rất ít. Phần lớn những bài ca ấy hiện đang nằm trong đầu số ít những người cao tuổi mà chưa được phổ biến ra diện rộng. Ngay cả lớp trẻ là con em đồng bào dân tộc cũng không thuộc và không biết hát chính những bài hát của dân tộc mình.
Do vậy, việc tổ chức ghi chép, sưu tầm, lưu giữ nhằm bảo tồn vốn văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số; làm sống lại những sinh hoạt văn hóa dân gian trong đồng bào dân tộc, đưa những hoạt động văn hóa này trở về với chủ nhân của nó là rất cần thiết và cấp bách. Đây cũng là điều kiện, là cơ sở để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái ở Lục Nam, Bắc Giang.
PV