Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Năm Du lịch quốc gia 2022 nhằm tái hiện sinh động các giai đoạn phát triển nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh, thành đại diện cho từng khu vực trong cả nước nói chung; giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời, tìm kiếm và thúc đẩy các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực.
Festival có quy mô 10 nhà gỗ, mỗi nhà gỗ rộng khoảng 53m2 và 78 gian nhà tre, mỗi gian rộng hơn 6m2; có 16 làng nghề với hơn 40 nghệ nhân và khoảng 150 doanh nghiệp, chủ thể OCOP đến từ Quảng Nam và các địa phương như: Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Đồng Tháp. Ban Tổ chức có bố trí khu gian hàng Trung tâm để quảng bá những sản phẩm mới của Du lịch Quảng Nam và các hoạt động xúc tiến thương mại như: giới thiệu trang sản phẩm Quảng Nam với khoảng 500 sản phẩm đã được cập nhật, trưng bày cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm...
Trong khuôn khổ diễn ra Festival cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa: biểu diễn nghề dệt thổ cẩm (tỉnh Đắk Lắk và huyện Tây Giang, Quảng Nam), gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Thanh Hà (Quảng Nam), chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa), đan mê bồ (Đồng Tháp), dệt lụa (huyện Duy Xuyên), diễn tấu cồng chiêng - Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk); đêm Hoài giang và chương trình hát hò khoan đối đáp Thanh Hóa – Quảng Nam; ẩm thực truyền thống; tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề trong thời kỳ hội nhập” và “Tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực vùng - miền”; tham quan các điểm du lịch, kết nối chương trình phát triển du lịch xanh; các hoạt động ký kết hợp tác trong lĩnh vực công thương về phát triển làng nghề truyền thống, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Nam và tổ chức khai trương hệ thống phần mềm du lịch thông minh....
Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ Nhất - Quảng Nam 2022 là nhịp cầu kết nối để tỉnh Quảng Nam giới thiệu thành tựu, tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; là điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tham gia giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đặc biệt, Festival cũng mở ra cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp làng nghề truyền thống tăng cường hoạt động liên kết hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống...
Anh Minh