Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 (ban hành ngày 26/11/2009), đến năm 2020 cả nước có 89 sân, trong đó bao gồm cả 19 sân đã đi vào hoạt động (tính đến thời điểm đó). Cũng theo quy hoạch này, vùng trung du miền núi Bắc Bộ dự kiến có 11 dự án sân golf (1.456ha); vùng đồng bằng sông Hồng có 16 dự án (1.909,7ha); vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ có 29 dự án (2.943ha); Tây Nguyên có 8 dự án (839ha); Đông Nam Bộ có 21 dự án (2.376ha) và đồng bằng sông Cửu Long có 4 dự án (461ha).
Kể từ khi được phê duyệt đến nay, căn cứ trên tình hình thực tế đã có rất nhiều dự án sân golf bị loại bỏ khỏi Quy hoạch do không phù hợp về điều kiện hình thành, tiêu chí xây dựng…, cùng với những dự án mới được bổ sung đã đưa số sân golf đến năm 2020 là 85. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, do gần đây một số địa phương đã xin ý kiến Chính phủ bổ sung nhiều dự án mới nên tổng số dự án sân golf lên tới 124 (gồm 85 sân quy hoạch, 27 sân ngoài quy hoạch và 12 sân đề nghị bổ sung mới).
124 đương nhiên là con số lớn nếu so với quy hoạch, nhưng nếu nhìn sang các quốc gia khác trong khu vực mà bên cạnh chức năng phục vụ người chơi, sân golf còn tham gia vào phát triển du lịch, thu hút du khách nghỉ dưỡng kết hợp với chơi golf thì golf Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tại Thái Lan, hiện mỗi năm đang thu hút khoảng 400 nghìn khách du lịch kết hợp chơi golf; Malaysia có 220 sân golf, phục vụ 300 nghìn người chơi, hay ở Indonesia cũng là 151 sân, với số người chơi khoảng 100 nghìn người... doanh thu từ ngành kinh doanh này cũng rất lớn.
Liên quan đến nguồn lợi này, trong một bài viết ra đầu năm nay tờ Thời báo New York đã dẫn lời ông Mark Siegel – Tổng Giám đốc Golffasian dự đoán rằng ngành Du lịch kết hợp golf sẽ trị giá từ 2 - 3 tỷ USD/năm cho các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó khoảng 10% đến từ Việt Nam. Bên cạnh đó, sự ra đời của các sân golf còn tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động.
Nhưng không chỉ trên thế giới mà cả Việt Nam, golf vẫn bị xem là môn thể thao dành cho giới "quý tộc". Và trong một quốc gia đang phát triển còn nhiều vấn đề phải đối mặt, thì rõ ràng việc dành đất để xây dựng sân golf luôn là điểm nóng.
Dù đã trở nên khá quen thuộc, nhưng hiện tại cả nước mới có khoảng 15.000 người Việt biết chơi golf còn lại các sân golf chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Chính vì thế, số lượng du khách lên - xuống có ảnh hưởng rõ rệt đến việc kinh doanh. Ngoài ra, trên thực tế vẫn chưa có những chiến lược quảng bá, xúc tiến cho du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf ở Việt Nam. Sân golf thường được gắn như một thứ tiện nghi ở các khu nghỉ dưỡng hàng đầu, hoặc với các thành phố lớn.
Việc kinh doanh sân golf ở Việt Nam vẫn chưa có lãi dù mức phí với một người là khoảng 100 USD/ngày/lượt, cao gấp đôi Thái Lan. Chính vì thế, không ít sân phải kết hợp kinh doanh bất động sản mà theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf thuần túy, 69 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, khu du lịch, trong đó sân golf chỉ là một dự án thành phần. Đó là chưa xét đến phương diện thể thao đơn thuần, golf không hề là môn thể thao mạnh của cả nền thể thao quốc gia. Trình độ của các golfer Việt Nam chưa thể tiệm cận với mặt bằng cao nhất của khu vực Đông Nam Á.
Qua rà soát còn thấy một thực trạng nảy sinh, đó là các sân golf không phù hợp với quy hoạch và gần nhất là việc một địa phương có phương án đầu tư đến... 10 sân golf, hay ở một số địa phương nhiều dự án có diện tích đất dành cho quy hoạch sân golf lớn nhưng vốn đầu tư lại nhỏ, suất đầu tư tính trên diện tích một ha thấp. Chưa kể đến việc đầu tư cho sân golf có kinh phí lớn, nhưng không có nhiều doanh nghiệp đáp ứng nổi mà trông chờ vào các nguồn ngân sách của địa phương.
Tóm lại, việc đầu tư và kinh doanh sân golf là phù hợp với bối cảnh phát triển chung của đất nước cũng như thế giới, vấn đề vẫn là thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.
Theo tính toán của các chuyên gia, với chi phí ngày càng rẻ và loại hình đáp ứng đa dạng, một người có thu nhập 20 - 30 triệu đồng đã có thể tập và chơi golf. Việc bỏ ra một phần thu nhập, khoảng 1/5 hay 1/6 là một mức có thể cân đối được, nhất là ngoài lợi ích về sức khỏe, tinh thần, môn golf còn mang lại những ích lợi khác.
|
Hoàng Hà