Ngày 8/7/2009, nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Nhân học đã khai mạc chuyên đề trưng bày “Sa Huỳnh - 100 năm phát hiện và nghiên cứu”.
|
Hạt chuỗi trang sức bằng mã não |
Với những tư liệu và hơn 100 hiện vật tiêu biểu được lựa chọn từ nhiều cuộc khai quật khảo cổ học trong những năm gần đây, trưng bày đã phần nào giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh, sự giao lưu văn hóa giữa Sa Huỳnh và các nền văn hóa khác. Trong số đó, có nhiều hiện vật đáng chú ý như: công cụ, đồ trang sức, vũ khí bằng đá (rìu, cuốc, bàn mài, hạt chuỗi, khuyên tai), xương động vật (mũi kim), thủy tinh, mã não, gốm, kể cả các công cụ bằng đồng thau (lao, mũi tên, lưỡi câu, dao găm, mũi giáo, miếng che ngực...)… Đặc biệt là các hiện vật bằng gốm với nhiều hoa văn độc đáo, giàu tính thẩm mỹ.
|
Mộ chum trong hố khai quật di chỉ động Cườm, Bình Định |
Những bí ẩn của nền văn hóa này đã được nhiều nhà khoa học, khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu và đến nay có gần 80 di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện, hàng chục địa điểm đã nghiên cứu khai quật như: Hà Tĩnh, Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Khánh Hòa, Tây Nguyên… Hiện nay, những phát hiện mới có liên quan tới văn hóa Sa Huỳnh vẫn tiếp tục được công bố, điều đó càng khẳng định sự phong phú và hấp dẫn của nền văn hóa này.
|
Gian trưng bày gốm Sa Huỳnh tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam |
Một trong những vấn đề cơ bản là nguồn gốc của văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam khẳng định. Gần 20 di tích có niên đại sớm đã được phát hiện ở Nam Trung bộ. Các nhà nghiên cứu phân thành các văn hóa khảo cổ học hoặc nhóm di tích khác nhau được gọi là tiền Sa Huỳnh. Đó chính là những dòng chảy, văn hóa phát triển lên đỉnh cao Sa Huỳnh vào thời đại đồ sắt. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được những dòng chảy phát triển trực tiếp lên văn hóa Sa Huỳnh như Long Thạch – Sa Huỳnh, Bình Châu – Sa Huỳnh… khẳng định chắc chắn nguồn gốc bản địa của nền văn hóa này.
Theo Giám đốc Bảo tàng Nhân học – PGS. TS. Lâm Thị Mỹ Dung, văn hóa Sa Huỳnh là một văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, tồn tại trong khoảng từ thế kỷ V trước công nguyên đến thế kỷ I, II sau công nguyên. Địa bàn phân bố chủ yếu ở khu vực Nam Trung bộ Việt Nam mà trung tâm thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Văn hóa Sa Huỳnh phía Bắc có sự giao thoa với văn hóa Đông Sơn ở khu vực Quảng bình và Thừa Thiên - Huế cho đến Hà Tĩnh. Phía Nam, giao thoa với các văn hóa thời đại kim khí lưu vực sông Đồng Nai ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận cho đến vùng Đông Nam bộ. Văn hóa Sa Huỳnh có mối quan hệ giao lưu rộng với các nền văn hóa lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và các văn hóa khác ở Đông Nam Á.
Qua trưng bày chuyên đề: "Sa huỳnh – 100 năm phát hiện và nghiên cứu" đã tái hiện lại một phần đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Sa Huỳnh phát triển đến trình độ cao. Cùng với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh là một trung tâm văn minh rực rỡ thời đầu dựng nước. Sự giao thoa, hòa trộn các yếu tố văn hóa vừa đa dạng vừa thống nhất đã tạo nên sự độc đáo của văn hóa Sa Huỳnh cần được tiếp tục khám phá và nghiên cứu.
Bài: BÍCH VÂN
Ảnh: Bảo tàng LSVN cung cấp