Rừng Nam Giang - Quảng Nam
Nam Giang còn có khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sông Thanh là một trong những khu BTTN lớn của Việt Nam. Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2000, nằm trên địa bàn 12 xã: La Đê, La Ê, Đắc Pring, Đắc Pre, Chà Val, Tà Bhinh, Cà Dy và các xã Phước Đức, Phước Năng, Phước Mỹ, Phước Công, Phước Xuân của huyện Phước Sơn với tổng diện tích 96.249 ha. Khu BTTN này có đa dạng sinh học cao với 300 loài động vật và 350 thực vật, trong đó có 14 loài động vật và 2 loài thực vật nằm trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Đây có thể coi là khu du lịch sinh thái lý tưởng tạo nên sức hẫn đối với du khách, đặc biệt khi du lịch sinh thái đang là xu hướng phổ biến trong thời đại hiện nay. Rừng Nam Giang không chỉ có giá trị về đa dạng sinh học mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng Nam Giang trực tiếp bảo vệ đầu nguồn của 3 con sông chính là sông Buông, sông Cái và sông Thanh nhằm hạn chế lũ lụt trong mùa mưa.
NGUYÊN NHÂN LÀM BIẾN ĐỔI DIỆN TÍCH RỪNG
Nam Giang là một trong tám huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, có tới 7 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 79,04% dân số toàn huyện. Nhìn chung kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, hoạt động kinh tế mang tính chất tự cung tự cấp, số hộ thuộc diện đói nghèo chiếm 47,9%. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng của huyện còn gặp nhiều khó khăn.
Do đốt nương làm rẫy: hàng năm nước ta có khoảng 50 ngàn ha rừng bị mất do đốt nương làm rẫy. Ở Nam Giang diện tích canh tác nương rẫy hàng năm biến động từ 870 - 1000ha, trong đó nương rẫy mới chiếm 20%. Mặc dù đã có một số biện pháp nhằm chủ động ngăn ngừa thiệt hại rừng do sản xuất nương rẫy như thực hiện quy hoạch vùng nương rẫy và tăng cường chỉ đạo quản lý ở huyện miền núi, đặc biệt là Nam Giang có Nghị quyết riêng về công tác nương rẫy, nghiêm cấm phá rừng để làm nương rẫy và đưa việc thực hiện Nghị quyết này thành chỉ tiêu thi đua của các cơ sở Đảng và Đảng viên tại địa phương. Nhưng hàng năm trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 15ha rừng nghèo và rừng non bị thiệt hại do đốt nương làm rẫy.
Do khai thác rừng bừa bãi: Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, cuộc sống còn phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên rừng và đất rừng. Trong khi đó việc phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư, mở các cơ sở chế biến hàng thủ công mỹ nghệ tận dụng từ nguồn nguyên liệu mây, tre, chế biến hàng nông sản hầu như chưa có. Do đó người dân thiếu việc làm, lâm tặc lợi dụng tình hình khó khăn này để tổ chức lôi kéo một số đại bộ phận nhân dân tham gia khai thác gỗ, săn bắn động vật trái phép. Nam Giang trở thành điểm nóng của cả tỉnh Quảng Nam trong việc khai thác lâm sản trái phép. Trong khi đó công tác xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép chưa nghiêm ngặt và triệt để, chưa điều tra làm rõ những kẻ chủ mưu, đầu nậu nên tình trạng này chưa giải quyết triệt để.
Do khai thác củi: Hiện nay củi vẫn là nguồn chất đốt chính của hơn 80% dân số nước ta, đặc biệt là người dân sống gần rừng. Ngoài ra, khai thác củi còn là nguồn thu nhập thêm cho nhiều gia đình, chưa kể củi là nguồn chất đốt chính của những cơ sở chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng như ngói, gạch. Dân số không ngừng tăng, nhu cầu về củi cũng ngày càng nhiều, tạo sức ép lên tài nguyên rừng nơi đây.
Sự phân cấp quản lý của nhà nước về rừng, đặc biệt là ở cấp xã chưa thực hiện cụ thể, rành mạch, có nhiều UBND xã chưa nắm được hồ sơ, ranh giới trên thực địa đối với diện tích rừng trong phạm vi xã mình quản lý. Vì vậy, diện tích rừng giao về địa phương như là vô chủ dẫn đến rừng bị tàn phá tràn lan mà không có cơ quan nào đứng ra can thiệp như ở Đắc Pring, Đắc Pre… Nhận thức về rừng ở một số bộ phận nhân dân còn rất hạn chế nên cho rằng việc quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm mà chưa thấy được trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì thế việc khai thác rừng một cách bừa bãi ngày càng mạnh mẽ làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.
GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHỤC HỒI TÀI NGUYÊN RỪNG
Như vậy, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắn động vật rừng trái phép vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ ở Nam Giang. Trong thời gian đến, Hạt kiểm lâm Nam Giang cần có sự phối hợp chặc chẽ với các ban, ngành địa phương làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ được diện tích rừng hiện có và trồng thêm được nhiều diện tích rừng mới cần phải:
Nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cũng như của toàn xã hội, từng người dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí và tầm quan trọng của rừng đối với đời sống và phát triển kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài của địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Củng cố kiện toàn các tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thông qua các chương trình, dự án tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ và phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số để họ ổn định chỗ ở và sản xuất nhằm hạn chế nạn du canh, du cư, phá rừng làm rẫy. Mặt khác, cần quản lý chặc chẽ nhân khẩu trên địa bàn, kiên quyết trục xuất những đối tượng không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhằm hạn chế nạn phá rừng do đối tượng dân cư tự do.
Tiên Tiến