Ấn tượng giá trị lịch sử
Đoàn khảo sát khởi hành từ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tiến về Khu di tích Cổ Loa, tham quan nhà trưng bày hiện vật Khu di tích Cổ Loa; đình Ngự triều Di quy – xưa là nơi thiết triều bàn chính sự của triều đình thời bầy giờ; đền Cổ Loa – nơi thờ An Dương Vương; Am bà Chúa – nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Ngoài ra, du khách còn tham quan thành Cổ Loa, trải nghiệm làm mũi tên đất và thưởng thức đặc sản bún Mạch Tràng…
Thành Cổ Loa được xây dựng cách nay khảng 2.300 năm, từng là nơi đóng đô của An Dương Vương và Ngô Quyền. Nhà trưng bày hiện vật Khu di tích Cổ Loa trưng bày sa bàn về Khu di tích Cổ Loa cùng một câu chuyện được dẫn dắt bởi các hiện vật khai quật khảo cổ tại khu vực thành Cổ Loa thời kỳ tiền Âu Lạc, thời kỳ An Dương Vương, thời kỳ Ngô Quyền. Nhà trưng bày cũng trưng bày nỏ thần phục chế và các hiện vật khác liên quan đến đời sống văn hóa cộng đồng khu vực Cổ Loa. Ngày nay, thành Cổ Loa tuy không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn thể hiện rõ dấu tích của một tòa cổ thành với các chức năng quân thành, thị thành và kinh thành. Thành gồm có 3 vòng: thành ngoại có chu vi khoảng 8km; thành trung có chu vi khoảng 6,5km; thành nội có chu vi khoảng 1,6km.
Đền Cổ Loa (đền Thượng) là nơi thờ An Dương Vương, được xây trên một quả đồi, tương tuyền từng là cung vua xưa kia. Dấu tích còn lại cho thấy đền được xây dựng từ thế kỷ 17 - 18. Đền có 2 nghi môn nội – ngoại; trước nghi môn ngoại có đôi rồng đá được tạo tác năm 1732. Sau nghi môn ngoại là sân rồng hạ được lót gạch Bát Tràng, hai bên có hai giếng nhỏ gọi là mắt rồng. Hai giếng mắt rồng thông thường chỉ một giếng có nước; tương truyền xưa kia, khi một giếng có nước một giếng cạn thì cuộc sống trong vùng ấm no, khi hai giếng cạn thì trong vùng hạn hán, hai giếng đều có nước thì trong vùng sẽ bị ngập lụt. Sau nghi môn nội là đến nhà tiền tế, phương đình, trung đường hậu cung; hậu cung thờ tượng An Dương Vương bằng đồng nặng 200kg được đúc năm 1897; ngoài ra còn thờ hoàng hậu – vợ vua và cha mẹ thân sinh vua An Dương Vương. Trong khuôn viên đền Cổ Loa còn có nhà bia, được xây theo hình phương đình; bên trong nhà bia lưu lại một số bia đá ghi lại một số điển tích thời kỳ thành xây dựng thành Cổ Loa. Phía trước đền có hồ nước là, tương truyền là nơi Mỵ Châu và Trọng Thủy thường đi thuyền dạo chơi; giữa hồ là giếng Ngọc, nơi được cho là Trọng Thủy tự vẫn khi không tìm được Mỵ Châu.
Đình Ngự triều di quy được xây dựng năm 1892. Tương truyền, đình được xây dựng trên khu vực điện thiết triều của An Dương Vương. Đình thờ thành hoàng là An Dương Vương và tướng quân Cao Lỗ - người đã chế tác nỏ thần thời bấy giờ. Bên trong đình có bức cửa võng được chạm trổ tinh xảo. Am bà Chúa thờ công chúa Mỵ Châu. Tương truyền, sau bị vua An Dương Vương chém đầu, thân thể Mỵ Châu đã hóa thành tượng đá không đầu trôi về bãi Đường Cấm phía Đông thành Cổ Loa. Dân làng lúc bấy giờ dùng võng cáng về, đến địa điểm xây am thì bị đứt võng, tượng đá rơi xuống, nên dân làng đã lập am thờ tại đấy.
Giám đốc Công ty Du lịch bền vững Việt Nam Phùng Thị Hoàng Anh chia sẻ, tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ” được triển khai nhằm giúp du khách khám phá và tìm hiểu kỹ hơn về kinh đô nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương ở thế kỷ 3 trước Công nguyên và nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền ở thế kỷ 10 sau Công nguyên. Du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam; kỹ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam thời kỳ đầu dựng nước, về nỏ liên châu. Du khách đồng thời được trải nghiệm đúc mũi nỏ liên châu bằng đất sét, bắn nỏ; thưởng thức đặc sản tinh hoa ẩm thực vùng đất cổ.
Cơ hội phát triển lâu dài
Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Khả Nghị cho biết, việc HPA tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” đã thổi một luồng gió mới vào hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn xã Cổ Loa. Đảng ủy, chính quyền xã Cổ Loa xác định đây là cơ hội cho việc phát triển du lịch Cổ Loa hiện tại và trong tương lai, đã chỉ đạo các ban, ngành, xã tuyên truyền để nhân dân biết cùng tham gia. Ngoài ra, xã Cổ Loa sẽ phối hợp tốt với HPA, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa và các công ty du lịch để xây dựng, hình thành nên s��n phẩm du lịch có giá trị cao, không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, mà còn ý nghĩa về phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, xã xác định người dân sẽ là lực lượng chính bảo vệ, xây dựng và được thụ hưởng giá trị các sản phẩm du lịch nói chung, đặc biệt là giá trị của Khu di tích Cổ Loa.
“Việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách làm du lịch của người dân Cổ Loa sẽ là hướng đi lâu dài. Xã Cổ Loa xác định mọi người dân đều được làm du lịch và thụ hưởng giá trị từ du lịch. Thông qua việc khảo sát giới thiệu sản phẩm mới của các doanh nghiệp và đơn vị chức năng, xã Cổ Loa mong muốn không chỉ du khách trong nước mà du khách quốc tế cũng biết đến Khu di tích Cổ Loa. Để chúng tôi tự hào xây dựng Cổ Loa trong tương lai thành Công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của TP. Hà Nội đúng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt” - ông Nguyễn Khả Nghị nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, đến Cổ Loa, du khách sẽ được trải nghiệm 2 hệ giá trị. Giá trị vật thể từ hệ thống không gian kiến trúc của Khu di tích Cổ Loa; giá trị phi vật thể của Lễ hội Cổ Loa đã được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hệ sinh thái trong khu vực. Tương lai du khách đến Cổ Loa sẽ được tham quan các nhà cổ đại diện cho kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Xã Cổ Loa cũng đã quy hoạch, kêu gọi bà con trồng sen, súng, tạo cảnh quan sinh thái cho du khách trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm và thụ hưởng các sản phẩm do chính người dân làm nên. “Xã Cổ Loa cũng sẽ kết hợp với Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, trường quay Cổ Loa xây dựng các sản phẩm trải nghiệm khác về nông nghiệp hoặc liên quan đến di tích Cổ Loa như xây thành, đúc mũi tên... Xã Cổ Loa đồng thời xin cơ chế, chính sách quy hoạch một số điểm dịch vụ khác, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch cùng tham gia vào. Để du khách khi về Cổ Loa, sau khi được tham quan trải nghiệm sẽ có chỗ lưu giữ lại những khoảnh khắc cũng như nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe để thực hiện những hành trình tiếp theo” - ông Nguyễn Khả Nghị cho biết thêm.
Nhằm triển khai phát triển du lịch Cổ Loa lâu dài, trong năm 2023, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ triển khai một số dự án đầu tư bảo tồn ở Khu di tích Cổ Loa, đặc biệt là khu vực đền thờ An Dương Vương và giếng Ngọc nhằm phát huy giá trị phi vật thể liên quan ở Khu di tích Cổ Loa. Việc đầu tư bảo tồn cũng được triển khai tại đền Ngự triều Di quy và Am bà Chúa; cải tạo, nâng cấp khu vực trải nghiệm cho chương trình giáo dục di sản cũng như cho khách tham quan trải nghiệm nhằm đẩy mạnh khai thác sản phẩm, kết nối tour, tuyến ở các điểm đến xung quanh với Khu di tích Cổ Loa.
“Hiện nay Trung tâm đang xây dựng và tiếp tục tăng cường kết nối các tour, tuyến. Khu di tích Cổ Loa cũng đang phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Đông Anh xây dựng tuyến tham quan Khu di tích Cổ Loa và nội bộ huyện Đông Anh với những giá trị di tích nổi bật. Qua đó tạo nên tuyến du lịch nội bộ, đồng thời kết nối Cổ Loa – Đông Anh – Sóc Sơn; dự kiến trong quý II sẽ định hình được sản phẩm” - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Ngô Văn Nam chia sẻ.
Phước Hà