Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030: phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
(VTR) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 theo Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 22/7/2014; với phạm vi nghiên cứu gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng với tổng diện tích là 54.641,069km2. Trong đó, về du lịch, vùng sẽ phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc.
(VTR) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 theo Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 22/7/2014; với phạm vi nghiên cứu gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng với tổng diện tích là 54.641,069km2. Trong đó, về du lịch, vùng sẽ phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội đâm trâu tại Tây Nguyên. Ảnh: Vietnamnet.vn
Vùng Tây Nguyên sẽ được phân ra thành các tiểu vùng và dải hành lang phát triển kinh tế. Cụ thể, tiểu vùng Bắc Tây Nguyên gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, tập trung phát triển công nghiệp thủy điện, hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Tiểu vùng Trung Tây Nguyên gồm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê. Tiểu vùng Nam Tây Nguyên gồm 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và nông nghiệp công nghệ cao.
Vùng sẽ phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh liên kết du lịch vùng Tây Nguyên với các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ; xây dựng các trung tâm dịch vụ du lịch lớn của vùng tại các thành phố Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt gắn với các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch Đà Lạt; xây dựng các trung tâm dịch vụ du lịch khác tại các thành phố, thị xã và điểm dịch vụ du lịch đơn lẻ được gắn với cảnh quan thiên nhiên và làng văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh và hồ thủy điện...
Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/11/2013, đến năm 2020, vùng Tây Nguyên hướng đến mục tiêu cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu. Phấn đấu đến năm 2030 Du lịch Tây Nguyên trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Quy hoạch sẽ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 4 khu du lịch quốc gia (khu du lịch Măng Đen; khu du lịch Yok Đôn; khu du lịch Tuyền Lâm; khu du lịch Đan Kia - Đà Lạt), 4 điểm du lịch quốc gia (điểm du lịch Hồ Yaly; điểm du lịch Ngã Ba Đông Dương; điểm du lịch Hồ Lắk; điểm du lịch thị xã Gia Nghĩa), một đô thị du lịch (TP. Đà Lạt), các khu, điểm du lịch địa phương được định hướng trong tổ chức không gian du lịch vùng. Đồng thời thực hiện các chương trình: đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu Du lịch Tây Nguyên; bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch; phát triển hạ tầng du lịch then chốt.
Tây Nguyên đặt chỉ tiêu đến năm 2015 thu hút 450 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 13,8%/năm và khách du lịch nội địa là 7,0%/năm. Năm 2020 thu hút 800 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 3,9 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 12,2%/năm và khách du lịch nội địa là 6,0%/năm. Năm 2025 thu hút 1,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 5,1 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 8,5%/năm và khách du lịch nội địa là 5,5%/năm. Năm 2030 thu hút 1,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 8,0%/năm và khách du lịch nội địa là 5,0%/năm. |
PV