Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng ITDR cho biết, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thực hiện trong bối cảnh thế giới có những thay đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội với những cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen. Mặc dù vậy, Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó đáng chú ý là sự lớn mạnh của các doanh nghiệp du lịch, sự xuất hiện của các nhà đầu tư chiến lược đã phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, lưu trú, nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch… tạo nên diện mạo mới và tạo tiền đề cho Du lịch phát triển trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, qua gần 7 năm thực hiện Chiến lược và Quy hoạch, nhiều vấn đề bất cập, hạn chế đã phát sinh, đặc biệt là tính bền vững của du lịch chưa được chú trọng dẫn đến du lịch phát triển nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Các giải pháp tháo gỡ để du lịch phát triển theo tinh thần Nghị quyết 08NQ/TW đang là yêu cầu cấp bách đặt ra không chỉ với riêng ngành Du lịch, mà với tất cả các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong xu thế hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Liên quan đến công tác quy hoạch, TS.KTS Lê Trọng Bình, nguyên Viện trưởng ITDR cho rằng, nhận thức về quy hoạch thời gian qua chưa rõ ràng, mỗi nơi nhìn nhận vấn đề theo các góc độ khác nhau, thậm chí quy hoạch du lịch còn chồng chéo với quy hoạch của các ngành Xây dựng, Nông nghiệp phát triển nông thôn… dẫn đến hệ lụy là không gian trong quy hoạch Du lịch bị phá vỡ. “Bản chất của quy hoạch là bố trí, phân bố trên phạm vi không gian gắn với cơ sở hạ tầng và gắn với hoạt động cụ thể. Chúng ta quy hoạch trọng điểm du lịch nhưng các tiêu chí không cụ thể, nghiên cứu về thị trường là chính, chưa đi sâu vào phân tích sức chứa, khả năng cung cấp của tài nguyên được quy hoạch”, ông Bình nêu rõ.
Đồng tình với nhận xét này, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, Chiến lược đề cập đến ưu tiên phát triển du lịch biển nhưng thời gian qua sản phẩm du lịch nổi bật và cũng là thế mạnh của Du lịch Việt Nam là du lịch biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Không những thế, hệ thống cảng dành riêng cho du lịch đường biển vẫn chưa được quan tâm đầu tư. Trong khi đó, 47 Khu du lịch quốc gia đã được quy hoạch có bao nhiêu khu phát huy được vai trò? nhiều khu du lịch như Mẫu Sơn, Mộc Châu dù đã được quy hoạch từ lâu song không hề được đầu tư, dẫn đến tiềm năng vẫn ngủ say. Rõ ràng, quy hoạch như vậy không có ý nghĩa.
Ông Lương cảnh báo một thực tế đáng lo ngại là nhiều điểm du lịch nổi tiếng đang bị các nhà đầu tư phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường như Sapa, Hạ Long… đang khiến du khách quốc tế “một đi không trở lại”.
“Mới đây chúng tôi làm tư vấn quy hoạch du lịch ở Cát Bà (Hải Phòng), quy hoạch chưa ráo mực thì đã có doanh nghiệp đến yêu cầu điều chỉnh theo ý đồ đầu tư của doanh nghiệp đó. Với cách nghĩ như vậy thì không một nhà quy hoạch nào có thể làm tốt được quy hoạch tổng thể”, ông Lương bức xúc nói.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh, tính thực thi quy hoạch chưa cao vì “có rất nhiều vấn đề liên quan”.
Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc Dương Quang Ứng chia sẻ, Khu du lịch Tam Đảo 2 (đã được quy hoạch là khu du lịch quốc gia) với diện tích 310 ha, trong quy hoạch không có cáp treo, nhưng nhà đầu tư yêu cầu phải lắp đặt hệ thống cáp treo (từ Tây Thiên lên Tam Đảo 2), vì không có cáp treo sẽ không có khách. Từ thực tế này, phải điều chỉnh lại toàn bộ vì liên quan đến hệ thống đường xe lửa được quy hoạch trước đó. Hay như dự án nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh giai đoạn 2 đã được quy hoạch nhưng nhà đầu tư không chấp thuận vị trí được quy hoạch, mà yêu cầu địa điểm khác thuận tiện hơn…
TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng TCDL hoan nghênh các ý kiến, tham luận thẳng thắn, khách quan của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; doanh nghiệp về những vấn đề nổi cộm trong việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 7 năm qua. Những ý kiến đề xuất này là cơ sở hết sức quan trọng để ngành Du lịch tổng hợp, báo cáo Bộ VHTTDL và trình các cấp có thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất những điều chỉnh phù hợp nhằm thúc đẩy Du lịch phát triển theo đúng định hướng đã nêu ra trong Nghị quyết 08 NĐ/TW “hiệu quả, chất lượng, bền vững”.
Viễn Nguyệt