|
Ông Trần Ngọc Tư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu Chỉ đạo Hội thảo | |
|
Nguồn tư liệu từ văn bia, sắc phong và các thư tịch cổ hiện còn lưu giữ giữa thời Lê sơ vào năm Thái Hòa thứ 8 (1450), quan Tư Khấu là Lê Khắc Phục đã phục mệnh Triều đình lên làm lễ tế thần núi Tam Đảo, từ đó về sau các quan nhà Lê đi dẹp giặc quanh vùng khi thắng trận đều sắc phong thần là: Tam Đảo Sơn trụ quốc mẫu tối linh đại vương, Đệ nhật Thượng đẳng phúc thần. Như vậy quốc mẫu Tây Thiên vừa trở thành con người của huyền sử, đồng thời cũng là con người thật, mang lý lịch trần gian, có họ, tên, quê quán và công tích cụ thể mà các bản ghi chép “Ngọc phả cổ truyền, Hùng Vương sự tích” đã đề cập đến.
Khu di tích - danh thắng Tây Thiên đã trở thành một khu danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia và nay đang là điểm du lịch thu hút du khách đến dâng hương lễ phật, lễ mẫu, tham quan tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên và khí hậu trong lành.
Hội thảo khoa học “Quốc mẫu Tây Thiên trong Đạo Mẫu Việt Nam” có gần 30 báo cáo khoa học, tập trung làm rõ quá trình hình thành và định hình biểu tượng Quốc mẫu Tây Thiên. Từ một vị thần núi, trong bối cảnh địa - lịch sử - văn hóa - quốc gia cổ Văn Lang - Âu Lạc, và sau đó là quốc gia Đại Việt, đã dần nhân thần hóa, nữ tính hóa rồi mẫu hóa thành quốc mẫu Tây Thiên, một vị tối linh thượng đẳng thần, được thờ ở 72 địa điểm, tại huyện Tam Đảo và các vùng phụ cận. Theo các nhà nghiên cứu tại Tây Thiên (Vĩnh Phúc) đã diễn ra quá trình hội nhập văn hóa. Trước nhất là hội nhập giữa đạo mẫu và phật giáo Tây Thiên. Đó là quá trình hội nhập giữa tín ngưỡng dân gian đạo mẫu bản địa và Phật giáo du nhập từ bên ngoài. Đó cũng là nơi diễn ra hội nhập liên văn hóa giữa đạo mẫu của người Việt và tục thờ mẫu của người Sán Dìu, khiến cho tục thờ mẫu ở đây trở thành kho vốn chung của hai dân tộc.
Bên cạnh đó hội thảo tập trung phân tích, khẳng định rõ bản sắc văn hóa vùng Tây Thiên cũng như những giá trị văn hóa của tục thờ mẫu và phật giáo với tâm thức “đến với phật về với mẫu” thể hiện qua tín ngưỡng, phong tục và lễ hội. Đây cũng chính là di sản, là tiềm năng phát triển du lịch, xây dựng và phát triển văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc trong bối cảnh đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH.
Với những tiềm năng du lịch vốn có, tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn hội thảo khoa học lần này sẽ góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Quốc mẫu Tây Thiên trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, hình thành các luận cứ, cơ sở khoa học phục vụ cho việc đầu tư xây dựng khu Trung tâm văn hóa - Lễ hội Tây Thiên theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Cũng tại thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, tối 26/3/2010 đã diễn ra liên hoan hát văn và hát chầu văn (khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất). Với sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và các CLB của các tỉnh trong khu vực, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và UNESCO, CLB trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội, CLB sân khấu chèo tỉnh Vĩnh Phúc.
Vũ Thị Huyền Trang