|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn khai mạc Kỳ họp |
Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ: tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra đối với hầu hết các đối tượng được bảo hộ từ quyền tác giả, quyền liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Nạn sao chép tác phẩm, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa đã gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư. Hầu hết các bản ghi âm, ghi hình, chương trình máy tính có giá trị bị sao chép lậu, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng bị làm giả, làm nhái... Tình trạng vi phạm trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nhận thức chung của toàn xã hội về vai trò của sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật. Năng lực, kinh nghiệm và hệ thống thực thi pháp luật có nhiều hạn chế, bất cập. Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày, nhấn mạnh: Ủy ban Pháp luật đánh giá cao cố gắng của Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, biên soạn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện dự án Luật. Ủy ban Pháp luật tán thành cần nghiên cứu, nội luật hóa những quy định của điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, nội luật hóa như thế nào thì cần được cân nhắc để vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, vừa phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ, công chúng thụ hưởng và Nhà nước. Ủy ban Pháp luật đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này cần tập trung vào một số nội dung liên quan trực tiếp đến các cam kết quốc tế đa phương của Việt Nam, những vấn đề thật sự bất cập trong quá trình thực thi Luật và các quy định về kỹ thuật có ảnh hưởng đến nội dung Luật.
Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (DSVH) nêu rõ: sau bảy năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật DSVH đã bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Một số quy định chưa rõ dẫn đến việc thực thi kém hiệu quả; còn thiếu quy định về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH có dấu hiệu là di tích và danh thắng đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng. Dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 10 điều của Luật Di sản văn hóa hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế; Tăng cường phân cấp cho các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Sửa đổi tên gọi cơ quan quản lý nhà nước để phù hợp với bộ máy hành chính hiện nay... Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ðào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DSVH, khẳng định: Sự ra đời của Luật đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc, đáp ứng ngày càng tích cực hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, có một số quy định của Luật chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được bổ sung... nên việc thực thi kém hiệu quả. Nhà nước cần có hình thức công nhận di sản văn hóa phi vật thể, làm cơ sở để lập kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị... Chính phủ cũng cần nghiên cứu sửa đổi quy định trong các văn bản dưới luật về xếp hạng bảo tàng cho phù hợp với thực tiễn.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Ðiện ảnh, các ý kiến của đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật này. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định tỷ lệ hợp lý khi bên nước ngoài góp vốn với bên Việt Nam thành lập doanh nghiệp sản xuất phim, tránh bị thao túng về nội dung phim và bị chi phối trong chỉ đạo, điều hành sản xuất phim… Có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định phim; quản lý và cấp giấy phép phát hành, phổ biến phim. Việc quản lý phim phát trên Ðài Truyền hình Việt Nam, các đài truyền hình địa phương cần chặt chẽ và cụ thể hơn nữa, nhất là các kênh phim nước ngoài thuyết minh bằng tiếng Việt hoặc có phụ đề tiếng Việt. Việc quản lý điện ảnh, và quản lý các đài truyền hình (trong việc phổ biến phim) cần được tổ chức lại vì cơ cấu các Bộ trong Chính phủ đã thay đổi. Tổng hợp những ý kiến nêu trên về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Thư ký tổ thảo luận phải tổng hợp để yêu cầu Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh (trong Dự án sửa đổi, bổ sung của Luật Điện ảnh) để bảo đảm việc quy hoạch phát triển điện ảnh, kiểm soát phim ngoại nhập, định hướng về văn hóa tư tưởng trong lĩnh vực điện ảnh…
PV