Buổi chiều, cha tôi ngồi bên thềm nhà nghe chiếc radio nhỏ vang lên giọng nói quen thuộc của cô phát thanh viên báo tin nước lũ tràn về. Mắt cha dợn lên nỗi lo toan. Tôi xếp tập vở lên cái kệ gỗ cho gọn, bước ra sân ngóng nhìn về phía chân trời. Mây đen kéo đến, hoàng hôn rải những tia nắng cuối cùng xuống cánh đồng trước lúc ngày tàn. Dòng sông lững lờ trước nhà chia tách hai dãy đồng mênh mông, nước dòng sông xanh chuyển dần sang màu hạt lựu, màu của phù sa, của đất bùn mấy ngàn năm thấm sâu vào từng hơi thở của đồng bằng châu thổ miền Tây và dáng hình của những con người hồn hậu, chất phác. Bên kia sông, hoa bìm bìm đã nở. Con cuốc ẩn mình trong đám sậy giữa cánh đồng thốt lên từng tiếng nỉ non, ai oán, đúng điệu u buồn của buổi chiều miền Tây.
Mùa nước nổi, khắp nơi chìm trong biển nước. Miền Tây như khoác lên mình chiếc áo màu bạc trắng, long lanh, cần cù và bình dị. Tôi cứ nhớ hoài cái đêm năm cũ, nước lên, cha cõng tôi trên vai băng ngang qua cánh đồng để lên được bờ đê xa tít. Trong đêm tối, nước sông chảy xiết. Nước tràn qua bờ đổ ầm ầm vào cánh đồng sau vụ mùa gốc rạ còn ngổn ngang, lỏm chỏm. Mẹ tôi vơ vội mấy bộ quần áo bỏ vào trong cái giỏ đệm cũ kĩ, cha cõng tôi, tay cha nắm tay mẹ theo sau. Nước ngập tận cổ cha. Nước kéo trôi dập dờn mái tóc dài của mẹ. Đêm ấy lũ nhấn chìm mọi thứ, cái chòi lá tạm bợ trên bờ đê cao không đủ che chắn cho cả xóm nghèo. Mắt người già rưng rưng, mắt trẻ thơ đẫm lệ. Cha tôi - thân cò gồng gánh nhọc nhằn gian khổ, gồng gánh thời gian. Phía căn nhà chìm trong biển nước, đàn gà con bơ vơ mồ côi mồ cút đứng trên chiếc xuồng ba lá. Mùa nước nổi, mùa của những đàn trâu lang bạt khắp cánh đồng nước mênh mông. Chúng đi từ cánh đồng này sang đồng khác tìm cỏ. Quê tôi gọi đó là mùa len trâu. Có những đàn trâu mạnh mẽ vượt qua cơn đói, mạnh mẽ lội đồng đi tìm màu xanh của sự sống, có những con trâu bất lực gục ngã ở một cánh đồng nào đó xa lạ, không tên. Trong mưa giông bão táp, khát vọng sống của cỏ cây và con người mãnh liệt hơn bao giờ hết. Như điên điển giữa đồng, nước nhấn chìm vẫn gắng gượng vươn lên dâng hiến cho đời sắc hoa vàng rực rỡ.
Thế rồi nước lũ thôi dâng, bầu trời yên lặng và ánh mặt trời dần buông trên miền quê châu thổ. Cha cõng tôi về sửa lại mái nhà, chống lại cái cột, lợp lại cái nóc. Cha xách con dao chặt bỏ mấy tàu lá dừa, mấy cành cây khô gió giông quật đổ. Mẹ tôi sửa lại chái bếp, giặt giũ, phơi phóng, nhóm bếp lửa nấu cơm ngọn khói bay ra ấm áp gian nhà đơn sơ bình dị. Đàn gà hơn mười con chết rũ chỉ lại mấy con đơn độc gọi bầy. Tôi vơ nắm thóc rải cho gà ăn đỡ đói lòng. Bữa cơm mùa nước nổi đơn sơ mà ấm lòng, mẹ bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển, nhổ bông súng, cha tôi thả lưới bắt cá linh non. Làm sao quên được nồi canh chua chiều quê, những ngày nước lên cả gia đình quây quần bên nhau, cơ cực mà đầm ấm. Làm sao tôi quên khoảnh khắc chạy lũ trên bờ đê cuối đồng, quên giọng hò ai văng vẳng trên dòng sông khi bầu trời quang đãng:
“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh”...
Đồng bằng nước nổi xinh đẹp mà tiêu điều, thi vị mà hanh hao, xơ xác. Từng chiều cha dắt tay tôi ra đồng nước bì bõm tập bơi, tiếng nói tiếng cười trong vắt lưng trời. Cha đỡ tôi lên ngồi trên lưng con trâu đen bóng. Trâu thong thả gặm cỏ, lòng bình yên. Phía xa, đồng sen nở rộ, hương hoa thoang thoảng khắp đồng.
Nước về, người miền Tây long đong, nhọc nhằn vất vả. Họ hiền lành, chịu thương chịu khó, dẫu cơ cực vẫn bám trụ mảnh đất đồng bằng, quen dần với lũ. Họ bao dung với từng mùa nước nổi đi qua, chống chọi như một quy luật cơ bản để sinh tồn trên mảnh đất này. Mùa nước đi qua, miền Tây với biết bao sản vật tự nhiên: cá tôm, những mùa hoa và bồi đắp thêm cho dãy đất đồng bằng phù sa màu mỡ...
Cha ơi, mùa nước nổi năm nay con đang ở một nơi rất xa cách quê mình mấy trăm cây số. Chiều nay, cha mẹ không có con bên cạnh. Chắc cha lại ra thềm rít thuốc mà mắt dờn dợn nỗi lo âu. Chắc mẹ lại lom khom kê đồ đạc lên cao để nước không nhấn chìm tất cả. Và rồi con nước dâng lên, nước ngập nhà cửa, ngập cả xóm nghèo…
Quê mình vào mùa nước nổi.
Hoàng Khánh Duy
Tạp chí Du lịch tháng 8/2018