Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội sau khi tham dự mít tinh ở quảng trường Nhà hát Lớn thành phố, đã rầm rập tỏa đi các ngả, chiếm các cơ quan, công sở của chính quyền bù nhìn thân Nhật, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, giữa rừng cờ đỏ sao vàng và giữa rừng người dân Việt Nam vừa mới thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc, thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Trước Cách mạng tháng Tám, quảng trường Ba Đình gọi là quảng trường Tròn (RondPoint Puginier) hay là quảng trường Puginier - tên một cha cố người Pháp. Đó là một khu đất gồm những bãi đất hoang và hồ ao mới lấp bằng, rộng hàng chục héc-ta cạnh Phủ toàn quyền Pháp.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, các tên phố phường và vườn hoa, công viên ở Hà Nội cũng có nhiều thay đổi. Quảng trường Tròn được gọi là vườn hoa Ba Đình hay quảng trường Ba Đình, để tưởng nhớ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa cuối thế kỷ 19 do Đinh Công Tráng lãnh đạo. Theo yêu cầu của Chính phủ lâm thời hồi đó, Ban Tổ chức buổi lễ Tuyên bố độc lập (do Ban Văn hóa cứu quốc phụ trách - Trưởng ban là Phạm Văn Khoa, kiến trúc sư Ngô Huy Huỳnh và họa sĩ Nguyễn Đinh Hàm) đi tìm một địa điểm rộng đủ cho một cuộc mít tinh lớn có thể tập trung được mấy chục vạn người. Ban đầu những người trong Ban Tổ chức định chọn khu Quần Ngựa hoặc Đông Dương học xá (khu đất Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô hiện nay), song thấy nó quá xa trung tâm thành phố. Còn quảng trường Nhà hát Lớn là địa điểm trung tâm thì lại quá chật chội. Vì vậy cuối cùng, đã quyết định chọn quảng trường Ba Đình.
Ngày 1/1/1955, tại đây nhân dân Hà Nội đã tổ chức cuộc mít tinh trọng thể mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trở về Thủ đô.
Trong thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947 - 1954), Phủ Toàn quyền Pháp đã đổi tên vườn hoa Ba Đình thành vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, khi bộ đội ta về tiếp quản thủ đô, Dinh Toàn quyền cũ cạnh quảng trường Ba Đình trở thành Phủ Chủ tịch, quảng trường Ba Đình là nơi thường xuyên có những cuộc mít tinh lớn trong các ngày kỷ niệm lịch sử, hoặc để tiếp đón và chào mừng các phái đoàn quốc tế đến thăm Việt Nam.
Cũng tại đây, ngày 9/9/1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã được cử hành trọng thể. Hàng vạn đồng bào trong cả nước và bạn bè quốc đã tới đây dự lễ. Sau đó không lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn quảng trường Ba Đình làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn của Người, đồng thời quyết định xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi công ngày 2/9/1973, trên vị trí của tòa lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Đình, nơi mà Người đã từng chủ tọa những cuộc mít tinh lớn. Ngày 29/8/1975, lăng được khánh thành.
Quảng trường Ba Đình hiện nay thuộc quận Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Quảng trường có chiều dài 320m, rộng hơn 100m, chia thành 240 ô vuông trồng cỏ, là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa; ở giữa là cột cờ cao 30m.
Hồ Sĩ Tá