Trong khi dư luận chờ đợi động thái của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với việc kinh doanh các dịch vụ ăn uống trong một số hang động thuộc Vịnh Hạ Long thì mới đây, một doanh nghiệp dịch vụ lữ hành đề xuất phương án khoanh vùng bảo vệ nguyên vị cọ Hạ Long kết hợp trung tâm đón tiếp có chức năng kinh doanh ăn uống.
Ngay lập tức, phần đề xuất kinh doanh ăn uống trên Vịnh Hạ Long của doanh nghiệp này đã bị lãnh đạo tỉnh bác bỏ.
Khu vực hòn Chân Voi là một khu đảo đá với hệ thực vật phong phú, đặc biệt là cọ Hạ Long, với diện tích quy hoạch khoảng 91 ha. Đây là nơi lý tưởng để khoanh vùng bảo vệ và thiết lập khu vực bảo tồn nguyên vị cọ Hạ Long.
Trong quy hoạch chi tiết Vịnh Hạ Long được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành năm 2015, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020, trong đó hòn Chân Voi trở thành khu du lịch sinh thái tham quan thực vật đặc hữu cọ Hạ Long. Trong khi đó, khu vực vụng Cặp Táo là trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái tham quan thực vật đặc hữu cọ Hạ Long.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ lữ hành Thiên Cung đã xây dựng dự án dịch vụ du lịch giới thiệu các sản phẩm thương hiệu Hạ Long, Quảng Ninh tại khu vực hòn Chân Voi.
Cụ thể, tại hòn Chân Voi, công ty lữ hành này đề xuất xây dựng bến cặp đò, tender (loại thuyền máy chuyển tải khách lên tham quan); lắp đặt 1 nhà nhân giống cọ Hạ Long tại hòn Chân Voi; làm 1 vườn ươm cọ Hạ Long; xây dựng hệ thống đường mòn tham quan hệ sinh thái cọ Hạ Long tự nhiên, nhà nhân giống và vườn ươm cọ Hạ Long.
Đồng thời, công ty cũng đề xuất xây dựng Trung tâm dịch vụ du lịch khu vực bảo tồn nguyên vị cọ Hạ Long gồm các hạng mục: hệ thống phao neo, phao luồng; bến cặp tàu; khu vực trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm thương hiệu Hạ Long, Quảng Ninh; khu vực trình diễn làm các công cụ truyền thống; khu vực sân khấu biểu diễn hát giao duyên Vịnh Hạ Long và một số làn điệu các dân tộc Quảng Ninh; khu vực giải khát...
Dù đề xuất dự án trên được đánh giá cao vì đạt được mục tiêu giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thương hiệu của Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, tuy nhiên, đại diện các sở, ngành đều không đồng tình đề xuất xây dựng bến cập tàu của chủ đầu tư nên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu công ty nghiên cứu, đầu tư lại quy mô của bến neo đậu để phù hợp cho các tàu, xuồng nhỏ lưu thông với hệ thống phao nổi composite.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Long thẳng thắn yêu cầu bỏ chức năng ẩm thực, ăn uống theo đề xuất của chủ đầu tư, mà chỉ bố trí quầy bar cùng các dịch vụ khác như bán hàng OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm nông nghiệp), hàng lưu niệm, khu vực làm nghề thủ công truyền thống...
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu công ty phải đầu tư hệ thống thu gom rác thải hàng ngày trên mặt vịnh để tập kết và vận chuyển về đất liền xử lý, tuyệt đối không được xả thải trực tiếp xuống vịnh.
Theo Quyết định 1139/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020, tại tất cả các điểm hang, động nói chung đều không có loại hình dịch vụ ăn uống, mà chỉ có các trung tâm đón tiếp, giải khát nhẹ./.
Nguồn: TTXVN