Tại lễ ra quân, UBND xã Tịnh Kỳ đã huy động cán bộ, công chức, phụ nữ, đoàn viên thanh niên…ra quân thu gom rác thải nhựa nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng hành động ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa ra môi trường.
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sống của các loài, là vấn đề cấp thiết của toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, túi nilon khó phân hủy đã trở thành yêu cầu cấp bách, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng.
Mục tiêu tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 phấn đấu giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, 70% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác vùng ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Đảm bảo tối thiểu 2 lần/năm phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển trên địa bàn tỉnh, 70% Khu bảo tồn biển Lý Sơn không còn rác thải nhựa.
Thời gian qua, phong trào giảm thiểu rác thải nhựa được Quảng Ngãi hưởng ứng tích cực như các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, các phong trào Ngày chủ nhật xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày không sử dụng túi nilon…
Ngoài ra, nhiều mô hình tiêu biểu như “Giỏ nhựa đi chợ”, từ nguồn kinh phí của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ 450 giỏ đi chợ thay cho túi nilon, 45 thùng đựng rác phục vụ cho công tác phân loại, thu gom rác thải tại nguồn, dần hình thành thói quen phân loại rác, hạn chế sử dụng túi nilon,…
Tại Quảng Ngãi, một số dự án như Dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Cần” được phát động thông qua mạng xã hội Facebook đã mang lại hiệu quả rất tích cực, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư.
PV