Theo đó, mục tiêu cụ thể mà Kế hoạch hướng đến nhằm làm mới sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị sản phẩm du lịch thu hút du khách góp phần tăng lượt khách, tăng doanh thu, thu hút lao động địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương; Xây dựng mô hình du lịch xanh kiểu mẫu dựa trên các giá trị tiềm năng thiên nhiên và văn hóa bản địa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch xanh, tour trải nghiệm du lịch xanh thực sự có giá trị; 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hành áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh.
Hiện nay, tại Quảng Nam có 11 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí du lịch xanh và thiết lập được nhiều mô hình du lịch xanh ở nhiều loại hình du lịch. Trong đó, nhận thức về phát triển du lịch xanh được lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương, ở cả khu vực công lẫn khu vực tư. Năm 2023, đã có hơn 20 đơn vị nộp hồ sơ tham gia và sẽ tổ chức đánh giá trong thời gian đến.
Qua hai năm thực hiện, thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và hoạt động chuyển đổi mô hình du lịch xanh trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả du khách đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thay đổi nhận thức về chiến lược tăng trưởng kinh tế xanh của tỉnh nói chung và định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh nói riêng.
Nhiều doanh nghiệp có chuyển hướng áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh trong quá trình vận hành, việc chuyển đổi theo hướng xanh bền vững không chỉ góp phần bảo vệ môi trường tương lai mà còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và còn làm tiền đề để các doanh nghiệp địa phương có kinh nghiệm trong việc hướng đến nhãn hiệu du lịch xanh theo tiêu chuẩn quốc tế,…
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai kế hoạch cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đến từ những yếu tố khách quan như ảnh hưởng thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm gia tăng áp lực cho việc xử lý rác thải, nước thải; cơ sở hạn tầng ở các điểm du lịch còn hạn chế,…Những yếu tố chủ quan như môi trường du lịch chưa đảm bảo; sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp hoạt động có liên quan đến du lịch còn hạn chế; chưa có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, khu điểm du lịch chuyển đổi hoạt động đáp ứng theo Bộ tiêu chí xanh, bền vững,…
PV