.jpg)
Theo báo cáo tại hội nghị, công tác quản lý nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội của ngành VHTTDL đã kịp thời điều chỉnh các vấn đề hạn chế từ mùa lễ hội năm 2017 như: công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ…tăng cường công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được quan tâm. Thanh tra Bộ VHTTDL và Cục Văn hóa cơ sở đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, đảm bảo cho các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội.
Đối với một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội) không còn hiện tượng tranh giành cướp lộc; lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cũng vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đồ mã... Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia. Nguồn kinh phí thu được qua các nguồn thu công đức, các hoạt động dịch vụ đã được sử dụng tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội và phúc lợi công cộng.
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, nhiều lễ hội đang bị nâng cấp và mở rộng quy mô trong khi địa phương chưa có nghiên cứu đầy đủ, chưa chuẩn bị kỹ các phương án an toàn; nhiều nơi có xu hướng biến lễ hội thành phương tiện tạo nguồn thu cho một nhóm lợi ích; còn hiện tượng đốt nhiều vàng mã gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ…
.jpg)
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đã tiến bộ trên nhiều phương diện. Trong đó, việc tham mưu, ban hành văn bản từ Trung ương đến địa phương kịp thời, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tổ chức quản lý lễ hội. Bộ VHTTDL luôn xác định tổ chức quản lý lễ hội đầu xuân là trọng tâm, trọng điểm, Bộ vào cuộc hết sức quyết liệt, giao trách nhiệm cho các đơn vị phụ trách kiểm tra, giám sát sát sao, nắm chắc địa bàn, kịp thời báo cáo những vấn đề nổi cộm, những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, các địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt và trách nhiệm, nhận thức được vị trí quản lý lễ hội trong văn hóa nên nhiều vấn đề tồn tại của mùa lễ hội 2017 đã giảm trong mùa lễ hội 2018.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng, không nên bằng lòng với những kết quả đạt được. Bộ VHTTDL và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, vào cuộc tích cực, sâu sát hơn để giảm các vấn đề tồn tại, tiến tới không còn tồn tại, phản cảm trong lễ hội. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các địa phương cùng Bộ VHTTDL, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân giảm đốt vàng mã, đồ mã trong các di tích, nơi thờ tự, tổ chức hội thảo truyền thông rộng rãi, đề nghị các nhà khoa học vào cuộc có giải pháp, lộ trình thực hiện; tăng cường thanh tra kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm; luôn đề cao vai trò trách nhiệm trong quản lý, tổ chức để các lễ hội quanh năm diễn ra an toàn, nghiêm túc.
HN